Thị trường

Khơi thông nguồn lực vàng

Khoảng 300-500 tấn vàng đang nằm trong dân (tương đương 17-27 tỉ USD) sẽ được đưa vào “dòng chảy” nền kinh tế nếu đề án huy động vàng của Ngân hàng Nhà nước ra đời và phát huy hiệu quả

 

Trả lời báo giới nhân dịp đầu năm mới, Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã hé mở một số phương án mà cơ quan này sẽ áp dụng trong đề án huy động vàng vào nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng quan trọng nhất vẫn là một hành lang pháp lý minh bạch, công khai khi thực hiện đề án này.

Vàng nằm “chết” trong “gầm giường”!

Từ lâu, người dân đã có thói quen tích cóp vàng như một phương thức bảo toàn tài sản của mình. Nhiều hay ít, mỗi người đều “thủ” cho mình một ít vàng. Vài năm trở lại đây, nhu cầu mua vàng ngày càng tăng khi kinh tế khó khăn, lạm phát cao. Một trong những nguyên nhân chính của các đợt “sốt” giá vàng thời gian qua chính là bởi lực mua tăng vọt nhưng nguồn cung không đáp ứng xuể.

Ngày 10 tháng giêng đầu năm nay (1-2) là ngày vía thần tài, người dân tại TPHCM lại kéo nhau đi mua vàng cầu may mắn trong năm mới. Nhu cầu mua vàng, cất giữ vàng của người dân là có thật. Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, khoảng 300-500 tấn vàng đang nằm “đông cứng” trong két sắt của người dân. Con số này tương đương với khoảng 17-27 tỉ USD nếu quy đổi theo giá vàng hiện tại.

Chỉ cần huy động được 30%-50% số vàng này, tương đương cả chục tỉ USD đưa vào nền kinh tế cũng là một con số khổng lồ, một nguồn lực to lớn. Trước đây, các NH thương mại từng huy động vàng rồi cho vay hoặc chuyển hóa một phần thành tiền đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, do giá vàng liên tục biến động mạnh gây rủi ro lớn cho các NH.
Đến đầu tháng 5-2011, Thông tư số 11 của NH Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng phải chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, không được chuyển vàng thành tiền. Các NH chỉ được phát hành chứng chỉ vàng đến ngày 1-5-2012 nhằm mục đích chi trả vàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ trả cho khách hàng. Kể từ thông tư này, nguồn vàng trong dân lại càng “chết gí” dưới “gầm giường”, trong két sắt... Ngược lại, thói quen tích trữ vàng của người dân vẫn không ngừng và các “cơn sốt” giá vàng vẫn âm ỉ khi giá vàng thế giới biến động mạnh.

Lợi cho cả người dân và Nhà nước

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nguồn lực vàng lớn nằm “bất động” trong dân là quá lãng phí, cần huy động chúng vào phục vụ phát triển kinh tế. Mới đây, một số NH thương mại có lượng vàng huy động lên tới hàng chục tấn đã xin được xuất khẩu vàng tài khoản để tăng thanh khoản.

Ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng huy động vàng trong dân đưa vào nền kinh tế có lợi cho cả người dân và nhà nước. Chẳng hạn, Nhà nước thay vì vay vốn của nước ngoài có thể dùng nguồn lực này phát triển kinh tế còn người dân được lợi từ việc gửi vàng hưởng lãi suất. Bằng công cụ tài chính của mình, NH Nhà nước có thể bán số vàng này trở lại thị trường làm vàng trang sức, bán vàng miếng cho người dân hoặc xuất khẩu thu ngoại tệ…
Có lượng vàng khổng lồ mà không phải tốn ngoại tệ nhập khẩu sẽ tác động tích cực lên cán cân thanh toán, thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ và giảm áp lực cầu ngoại tệ. Tăng nguồn vàng vào dự trữ ngoại hối cũng là việc nhiều NH Trung ương đang thực hiện. Tại Mỹ, 64% dự trữ ngoại hối của NH Trung ương là vàng.

Từ nguồn vàng huy động được, nếu Nhà nước bán trở lại cho người có nhu cầu thu tiền đồng còn góp phần kéo lạm phát xuống khi lượng tiền đồng lưu thông trong nền kinh tế giảm bớt. “Trước đây, có thời kỳ lạm phát ở nước ta lên tới 700%, Nhà nước ngay lập tức cho nhập 30 tấn vàng rồi bán ra thị trường thu về tiền đồng đã giúp giảm lạm phát. Vì thế, đây còn được xem là một kênh chống lạm phát tốt” - ông Đinh Nho Bảng dẫn chứng.

Lập đề án huy động vàng

Lợi ích từ nguồn vàng khổng lồ trong dân đối với nền kinh tế ai cũng thấy, nhưng khơi thông nguồn lực này như thế nào?

Mới đây, trong thông điệp đầu năm mới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lần đầu hé mở phương án huy động vàng trong dân. Theo đánh giá của NH Nhà nước, lượng vàng trong dân khoảng 300-500 tấn.
Nếu không huy động số vàng này để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì đất nước chưa thể mạnh lên được. Vì vậy, trên cơ sở của nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, trong đó có sản xuất kinh doanh vàng miếng và Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng, NH Nhà nước sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân.

“Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, hay nói cách khác, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NH Nhà nước trong việc huy động vàng” - Thống đốc nêu rõ. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian. Mặt khác, Nhà nước sẽ dùng nhiều công cụ khác nhau như kinh doanh vàng tài khoản trên thị trường quốc tế để bảo hiểm rủi ro biến động của giá vàng thế giới. Nhà nước cũng bảo đảm giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể chuyển số vàng này thành ngoại tệ góp phần phát triển kinh tế…

Thực tế, có nhiều biện pháp huy động vàng tùy thuộc vào chính sách quản lý, quy trình nghiệp vụ của NH Nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách này phải bảo đảm cân bằng lợi ích giữa người gửi vàng và người huy động.

Theo NLĐ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo