Pháp luật

Khởi tố nguyên tổng giám đốc ngân hàng Navibank Lê Quang Trí

(DNVN) - Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 11 bị can liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Trong đó có Lê Quang Trí nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Navibank.

Tin tức trên báo Thanh niên, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 11 bị can liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm theo quyết định của Bản án phúc thẩm số 02/2015/HSPT ngày 7/1/2015 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM.

Nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí . Ảnh: VnMoney.

Trong số này có 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuộc Ngân hàng Navibank, nay đã được tái cơ cấu và đổi tên, gồm: Lê Quang Trí, nguyên tổng giám đốc; Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (cùng nguyên phó tổng giám đốc); Phạm Thị Thu Hiền, nguyên trưởng phòng pháp chế; Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro; Trần Thanh Bình, nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng; Đinh Thị Đoan Trang, nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng; 

Đoàn Đăng Luật, nguyên trưởng phòng kinh doanh tiền tệ; Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên trưởng phòng kế toán. Các bị can bị khởi tố về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ”. Riêng bị can Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung (42 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP .HCM, làm nghề kinh doanh bất động sản) bị khởi tố về tội “cho vay lãi nặng”.

Trước đó, tại phiên phúc thẩm diễn ra cuối tháng 12/2014 và đầu tháng 1/2015, HĐXX TAND tối cao tại TP HCM đã tuyên giữ nguyên mức án chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như, đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra xác minh một số nội dung, trong đó có việc Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung có hành vi cho vay nặng lãi vượt quá 10 lần lãi suất ngân hàng nhà nước quy định và làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ ngân hàng Navibank có liên quan. Báo Zing news thông tin.

Qua điều tra, cơ quan tố tụng xác định Trung đã cho Huỳnh Thị Huyền Như vay tiền với lãi suất 0,4%/ngày (tức 144%/năm), cao gấp hơn 10 lần so với mức lãi suất cao nhất do ngân hàng nhà nước quy định. Trong 3 năm cho vay nặng lãi, Trung đã thu khoảng 660 tỷ đồng tiền lãi.

Còn 10 cán bộ ngân hàng Navibank đã lập hồ sơ vay vốn đứng tên nhân viên để lấy tiền của ngân hàng đem gửi vào Vietinbank hưởng lãi chênh lệch. Tuy nhiên, khi họ mang 200 tỷ đồng do Navibank giải ngân gửi vào Vietinbank – Chi nhánh TP HCM thì bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

 

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt khoảng 4.000 tỷ đồng xảy ra tại Vietinbank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Theo đó, năm 2007, Huyền Như (lúc này đang làm cán bộ tín dụng của VietinBank chi nhánh TP HCM) vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để đầu tư chứng khoán và bất động sản.

Làm ăn thua lỗ, năm 2010, Như lợi dụng chức Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank chi nhánh TP HCM và danh nghĩa của ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.

Từ tháng 10/2010 đến 9/2011, Như thuê người làm giả con dấu, tài liệu của nhiều ngân hàng, đơn vị và giả chữ ký trên các chứng từ, hợp đồng, sau đó sử dụng hồ sơ giả để huy động vốn cho VietinBank. Tổng cộng, Huyền Như đã lừa đảo của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân để chiếm đoạt khoảng 4.000 tỷ đồng.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo