Tin tức - Sự kiện

Khơi vốn tắc nghẽn ở hai đầu tàu kinh tế

Ngày 5/4/2013, tại Tp.HCM và trước đó là 29/3 ở Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước và Thành ủy, UBND 2 địa phương nói trên - vốn chiếm tới 60% thị phần huy động vốn cả nước - họp bàn tìm cách mở rộng tín dụng. Thông điệp từ đây là ngân hàng kết hợp chặt với các sở, ngành đẩy mạnh chương trình cho vay; đồng thời, tổ chức tín dụng phải tập trung xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí.
Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, tính đến 31/3/2013, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 1.017.900 tỷ đồng, tăng 0,64% so với cuối tháng 2/2013, tăng 2,5% so với cuối 2012 và tăng 13,3% so với cùng kỳ 2012.
 
Dư thừa vốn huy động
 
Trong đó, huy động VND đạt 842.796 tỷ đồng, tăng 3,28% so với cuối 2012 và chiếm 82,8% tổng nguồn; tiền gửi ngoại tệ (đã quy đổi) đạt 175.104 tỷ đồng, và chiếm 17,2% tổng nguồn huy động. Đáng chú ý, tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh với mức 9,2% so với cuối 2012 và đạt 548.600 tỷ đồng, chiếm 53,9% so với tổng nguồn vốn huy động.
 
Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng Tp.HCM có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, hai tháng đầu 2013, tín dụng trên địa bàn giảm 0,54%; trong đó, tháng 1/2013 giảm 0,01%, tháng 2/2013 giảm 0,53% nhưng đến 31/3/2013, tổng dư nợ tín dụng dự ước đạt 857.700 tỷ đồng, tăng 0,81% so với cuối tháng 2/2011 và tăng 0,26% so với cuối 2012.
 
Cũng theo ông Lâm, điểm nổi bật trong cấu trúc tín dụng của Thành phố là dòng vốn này tiếp tục đi vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, doanh số tín dụng cho 5 nhóm đến 21/3/2013 đạt 96.163 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối 2012 và tăng 92,1% so với thời điểm bắt đầu thực hiện (19/7/2012). Trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 54.772 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu đạt 16.556; cho vay tam nông đạt 17.901 tỷ, cho vay công nghiệp hỗ trợ 6.759 tỷ đồng...
 
Trước đó (29/3), tại buổi làm việc của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo Hà Nội, bà Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng cho biết, đến cuối tháng 3/2013, Hà Nội có 397 chi nhánh tổ chức tín dụng, mạng lưới phủ tới 2.045 điểm khắp 29 quận huyện. Công tác huy động vốn đến cuối tháng 2/2013 đạt 857.473 tỷ đồng. 
 
Trong khi đó, đến 31/12/2012, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 652.926 tỷ đồng, tăng 11,39% so với 31/12/2011, dư nợ trung dài hạn chiếm 39%, tăng 13,22%; đến cuối tháng 2/2013, dư nợ tín dụng đạt 616.600 tỷ đồng, chiếm 25%/tổng dư nợ tín dụng toàn ngành cho nền kinh tế.
 
Như vậy, tính đến hết tháng 2/2013, tổng nguồn huy động và dư nợ tín dụng của Tp.HCM và Hà Nội cộng lại lần lượt là 1.875.373 tỷ đồng và 1.474.300 tỷ đồng; tương ứng hệ số sử dụng vốn là 78,61%. Chỉ số này đáp ứng tốt về thanh khoản nhưng cũng kéo theo sự đình trệ tín dụng.
 
Tìm cách "tháo van" cho vốn
 
Với quy mô huy động và tín dụng chiếm xấp xỉ 60% thị phần của cả nước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu vực dậy tín dụng ở 2 địa phương này sẽ cải thiện đáng kể tình trạng bế tắc tín dụng hiện nay.
 
Tại Tp.HCM, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, trước khó khăn trong việc cho vay, từ đầu 2012 đến nay, Thành phố đã triển khai 4 chương trình hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh. 
 
Một, chương trình kích cầu theo Quyết định 20 và Quyết định 33, đã tạo ra 59 dự án tham gia với dư nợ 4.000 tỷ đồng. 
 
Hai, Thành phố cũng tổ chức trên 30 cuộc kết nối, tháo gỡ khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh. Qua đó, các doanh nghiệp có điều kiện được hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ trở ngại trong thủ tục vay vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng phù hợp. 
 
Ba, đẩy mạnh chương trình cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên kéo dài từ tháng 7/2012 đến nay, tạo điều kiện để 21.757 khách hàng vay với dư nợ tới 89.740 tỷ đồng. 
 
Bốn, Sở cũng kết hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại đây rà soát khả năng trả nợ để giảm lãi suất tiền vay xuống mức 15%/năm, điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn trả nợ và tính đến tháng 2/2013, toàn Thành phố có 51.241 khách hàng được hưởng cơ chế trên với dư nợ đạt 257.137 tỷ đồng; trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 160.208 tỷ đồng và điều chỉnh dư nợ cũ về mức 15%/năm là 96.929 tỷ đồng.
 
Ở Hà Nội, bà Mai Sương đưa ra mấy biện pháp kích thích tăng trưởng tín dụng như sau: Trước hết, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn ưu tiên, lãi suất thấp cho các chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đối với người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội với diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, lãi suất thấp cố định trong thời gian dài. 
 
Tiếp đó, triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động cho vay; hỗ trợ khách hàng vay vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. 
 
Chẳng hạn, cho vay theo chuỗi người nuôi, thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu; cho vay liên kết giữa chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu và người mua nhà. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xử lý nợ xấu, rà soát, đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ; tiếp tục cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động; thực hiện trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
 
 
 
 
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo