Không ai làm khu công nghiệp theo kiểu xây chuồng bò
Thưa ông, câu chuyện quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp đang là đề tài nóng cho các cuộc tranh luận. Với tư cách chuyên gia kinh tế, ông đánh thế vấn đề này thế nào?
Tổng thể, chuyện quy hoạch khu công nghiệp, cách làm của chúng ta đang mang tính phong trào cao quá. Các địa phương cứ đua nhau làm, không theo một quy hoạch thống nhất nào cả. Tất nhiên cũng thu được nhiều vốn, cũng có nhiều doanh nghiệp tạo ra được một số việc làm… nhưng so với kỳ vọng cũng như nguồn lực bỏ ra thì hiệu quả thu được chưa cao, thậm chí trong nhiều trường hợp còn rất thấp. Chính cách làm ấy dẫn đến những hệ lụy.
Thứ nhất, một khi đã ồ ạt lập các khu công nghiệp, thì đương nhiên các địa phương phải tạo ra một cuộc đua để “lấp đầy”, mà đã đua nhau thì chất lượng sẽ giảm. Ông chỉ cốt lấp đầy để báo cáo thành tích rằng “địa phương của em xong rồi”, chứ còn chất lượng bên trong như thế nào thì ông chẳng cần quan tâm. Việc nhận các dự án có chất lượng vào đầu tư bị xem nhẹ nên chất lượng công nghệ, dự án hiện nay ở khu công nghiệp của chúng ta đang còn rất thấp.
Hệ lụy này rất nghiêm trọng, bởi nên nhớ rằng khi một dự án có công nghệ thấp thì chúng ta phải nuôi nó 30-40 năm vì không ai làm một khu công nghiệp, một nhà máy mà 5-10 năm lại đập bỏ giống như kiểu xây chuồng bò được. Chung sống chừng ấy năm với một công nghệ thấp sẽ làm đất nước đứng lại, thậm chí là tụt hậu, chứ đừng nói là tiến lên.
Một tỉnh chỉ tập trung một vài khu thôi, còn bây giờ tỉnh nào cũng bày ra rồi lại phải chạy theo để lấp đầy. Phải bỏ cái tư tưởng “đua nhau lấp đầy” để tập trung cho một hai cái thuận lợi, phù hợp nhất thôi. Chúng ta đang cấp đất bừa bãi quá. Đất đai ngày càng quý. Làm gì cũng phải giữ được đất, nên phải tính lại quy hoạch khu công nghiệp. Đi kèm với đó là phải xây dựng hệ thống khuyến khích, có thưởng có phạt. Đất đai nông nghiệp hàng nghìn năm đem đổ đất đổ cát lên rồi bỏ hoang, bây giờ làm thế nào? Phải xử lý trách nhiệm thôi. Cả một hệ thống sai thì phải sửa thôi, nguồn lực của ông chưa đủ thì phải chặn lại đã, đừng làm thêm gì nữa.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS-TS Trần Đình Thiên |
Thứ hai là vấn đề về đất đai. Khi các địa phương triển khai làm khu công nghiệp, tôi thấy rằng dường như họ không tính đến chuyện hạ tầng, điều cốt yếu để thu hút nhà đầu tư mà để cho nhà đầu tư lựa chọn. Còn các nhà đầu tư thì bao giờ cũng chiếm đất ngon nhất, chọn nơi thuận tiện nhất, gần đô thị nhất, gần sông, gần cảng nhất…
Như vậy, vô hình trung, các địa phương đang tự đẩy mình vào thế khó khi đối chọi với nhau để làm cái gọi là “khát vọng đầu tư”, thưa ông?
Câu chuyện làm khu công nghiệp có thể coi là “bi kịch hai đầu”. Việc các khu công nghiệp không lấp đầy, nông dân là người đầu tiên gánh hậu quả: mất đất, không việc làm.
Đáng lý ra chúng ta phải làm công nghiệp theo cách Nhà nước chủ động quy hoạch dựa trên tổng thể lợi ích quốc gia, cho công nghiệp vào những chỗ hoang vắng, những chỗ làm nông nghiệp không thuận lợi… rồi xây dựng hạ tầng để thu hút nhà đầu tư. Đằng này cứ để nhà đầu tư tự chọn thì đương nhiên tính tối đa lợi ích, tính cục bộ bao giờ cũng đặt lên hàng đầu chứ không phải lợi ích tổng thể.
Chúng ta đang sử dụng từ “cụm công nghiệp”, thế nhưng cụm công nghiệp của chúng ta đang ở tầm cấp xã, cấp huyện. Trên thế giới, khái niệm cụm công nghiệp là sự hỗ trợ, liên kết với nhau thành một chuỗi khép kín, tối ưu hóa… ở trong cụm công nghiệp ấy. Nó giải quyết được rất nhiều vấn đề, không cần kho bãi, không cần vận tải bởi tất cả đều thuộc nội khu trao đổi với nhau. Còn cụm công nghiệp của chúng ta giống như bách hóa tổng hợp của những xí nghiệp công nghệ thấp. Lò vôi, lò gạch, lò ngói, lò rèn có hết ở trong đấy. Nó không thành chuỗi được vì công nhân trình độ thấp, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm…
Một mặt nữa là thể chế. Để thu hút đầu tư tốt thì thể chế phải tốt. Thể chế khu công nghiệp của chúng ta đang còn thấp, luật lệ không nghiêm, yếu tố làng xã ở đầy trong đó.
Như vậy, rõ ràng việc các địa phương thi nhau thu hút đầu tư, trong khi số lượng các doanh nghiệp có hạn, dẫn tới việc “đại hạ giá” về cơ chế, chính sách ưu đãi, thưa ông?
Cuộc đua lấp đầy ở các khu công nghiệp rất phức tạp. Đất đai ông nào cũng nhiều nên phải hạ giá để mời doanh nghiệp vào theo kiểu “mày cứ vào đây đi, tao cho hết”. Thế thì chết rồi còn gì! Nước mình đã nghèo, lại còn dùng chiêu ưu đãi nữa thì chẳng khác gì đang tự bán rẻ mình đi. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn, đầu tư dài hạn thì ưu đãi không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Cái người ta cần là môi trường minh bạch, thể chế rõ ràng để còn làm ăn lâu dài thì mình lại chẳng chú trọng. Cứ cái món “ưu đãi” mà giã thôi thì chết là phải. Chúng ta sử dụng thể chế làng thì chỉ khuân được những DN kém vào thôi. Chứ còn những doanh nghiệp “đẳng cấp” họ không vào vì thể chế không tương xứng.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng, nếu chúng ta cứ làm KCN kiểu này thì chắc sẽ không hiệu quả bằng trồng lúa. Ông nghĩ sao?
Phải nói đúng ra là khu công nghiệp bỏ hoang không bằng trồng lúa, bởi họ có làm gì đâu. Đây là lãng phí tuyệt đối, hệ quả của việc quy hoạch sai lầm. Phải có quy hoạch chung, phải có sự lựa chọn. Nhưng nhiều khi chúng ta chọn sai bởi vì chọn xong rồi giao cho chủ đầu tư muốn làm gì thì làm. Cái đấy là cái tệ hại nhất.
Đất đai ông nào cũng nhiều nên phải hạ giá để mời doanh nghiệp vào theo kiểu “mày cứ vào đây đi, tao cho hết”. Thế thì chết rồi còn gì
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS-TS Trần Đình Thiên |
Phải đặt ra câu hỏi là Việt Nam định thành một nước công nghiệp như thế nào? Tôi thì thấy rằng, công nghiệp của chúng ta chả có vị thế gì, cái gì cũng có nhưng chẳng cái gì ra cái gì bởi thiếu tầm nhìn. Tiền của quốc gia công thổ, đất của nông dân cứ đem ra lập khu công nghiệp thì không được. Nó phải đặt trong một tầm nhìn, đặt trong quy hoạch tổng thể định hướng: Công nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào? Cứ tưởng mình lắm núi đá mà làm xi măng thì không ổn.
Rõ ràng, việc không có quy hoạch trong phát triển các KCN thành lỗi hệ thống. Theo ông, có lợi ích nhóm ở đây không?
Chắc chắn là có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, kiểu “tôi phải lo cho địa phương tôi đã”. Trong địa phương, ông nào làm dự án thì khuân khu công nghiệp về kiếm ít. Phần trăm, phần treo có cả. Ngay cả khi không có lợi ích dự án thì cũng có lợi ích ngân sách.
Khái niệm lợi ích nhóm cần phải hiểu rộng ra nữa. Nếu ông đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu thì buộc phải quên lợi ích tổng thể và dài hạn. Tôi nhấn mạnh từ dài hạn bởi nó gắn với tư duy nhiệm kỳ. Cục bộ mà cộng với nhiệm kỳ thì cực kỳ nguy hiểm. Không gian thành một cục, thời gian thành một đoạn còn tổng thể dài hạn, chiến lược thì không ai nghĩ đến.
Họ có lỗi không? Có. Nhưng đầu tiên phải xét những người đã thiết kế ra một cơ chế như thế. Những cơ chế chính sách ban đầu đẻ ra động cơ nhóm, đẻ ra tư duy ngắn hạn như vậy. Cho nên nếu muốn sửa thì phải sửa cả hệ thống.
Thưa ông, trước việc các địa phương ồ ạt quy hoạch khu công nghiệp rồi bỏ hoang, Chính phủ mới đây đã ra Chỉ thị yêu cầu không cấp phép thành lập khu công nghiệp, CNN mới. Ông đánh giá động thái này thế nào?
Chỉ thị cho dừng lại thì đúng rồi, nhưng giá mà sớm thì tốt hơn rất nhiều. Nhưng khó ở chỗ, dừng lại chưa hẳn đã giải quyết được chuyện không tăng thêm lãng phí đất đai nữa. Trong kinh tế học có một khái niệm gọi là “điều chỉnh cơ cấu” thì chỉ thị này chính là để điều chỉnh. Nhà nước muốn dừng lại vì nguồn lực có hạn nhưng điều chỉnh cũng rất tốn tiền. Ví dụ ở một tỉnh có 10 khu công nghiệp, bây giờ Nhà nước chỉ giúp ba khu thôi, thế thì bẩy khu còn lại thế nào?
Tôi thì thấy rằng, công nghiệp của chúng ta chả có vị thế gì, cái gì cũng có nhưng chẳng cái gì ra cái gì bởi thiếu tầm nhìn.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS-TS Trần Đình Thiên |
Như khu công nghiệp Biên Hòa ở Đồng Nai chẳng hạn. Công nghệ thấp, lương công nhân thấp, ô nhiễm, nằm chình ình giữa thành phố nhưng thời hạn thuê còn mấy chục năm nữa nên khó.
Đó là tầm nhìn khi bắt tay làm công nghiệp. Ngay từ đâu ông phải quy hoach xa trung tâm đi chứ. Làm công nghiệp mà mới 10-20 năm đã phải chuyển đi thì chết.
Sai thì phải sửa, nhưng sửa thế nào lại phải bàn vì làm sai dễ hơn sửa sai rất nhiều. Khi làm, bàn mãi mới ra được chính sách vẫn còn sai nữa là sửa. Mình là nước đi sau, cái gì các nước đi trước cũng nghĩ ra hết cả rồi.
Chỉ có điều khi mình làm lại quên ngẩng mặt lên nhìn các nước đi trước. Nhìn sơ sơ tưởng ổn, chưa học hết bài vở đã cắm cúi làm. Vì vậy khi làm xong thì các nước khác đã chạy đi đâu xa lắm rồi.
Theo NNVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024