Không cấp thêm vốn cho dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công Thương
Chiều 26/2, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Phó Thủ tướng khẳng định, không cung cấp thêm nguồn vốn cho 12 dự án này và xử lý trên nguyên tắc thị trường, chia sẻ rủi ro và lợi ích của các bên có liên quan.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Đối với 25 nhiệm vụ được giao năm 2017, hoàn thành trong năm 2018 và các năm tiếp theo: đã hoàn thành được 4/25 nhiệm vụ; 21 nhiệm vụ còn lại vẫn đang được tiếp tục triển khai thực hiện.
Đối với 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi chuẩn bị khởi động vận hành lại Nhà máy vào Quý 1/2018; Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, hiện đang xây dựng phương án chuyển nhượng hoặc thoái vốn của PVOil khỏi dự án.
Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, đang xây dựng phương án thoái vốn khỏi Dự án và tiến hành đàm phán với các cổ đông khác hoặc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, thoái vốn.
Đối với Dự án Nhà máy sản xuất sơ sợi Polyester Đình Vũ, tình trạng hiện tại của PVTex là hết sức khó khăn nên việc khởi động lại toàn bộ nhà máy sẽ khó thực hiện theo kế hoạch.
Về phương án hợp tác với các đối tác để cùng sản xuất kinh doanh sản phẩm sơ: PVTex đã lập hồ sơ mời hợp tác và thông báo mời thầu và đến nay đã nhận được Hồ sơ đề xuất hợp tác của Công ty Cổ phần An Phát Holding; Đối với Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, việc chuyển giao dự án tàu 104.000 tấn hiện chưa thực hiện được do vướng mắc về xác định giá trị hoàn thành quyết toán của tàu để bàn giao giữa PVN và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam cũng cho biết: Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai, đến nay cả 3 dự án đều đã hoàn thành xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lộ trình cắt lỗ cho từng năm đến 2020, kế hoạch tiết giảm chi phí cho các năm.
Đối với 2 dự án thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Đa thông tin, hiện đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạng mục dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm và hệ thống xử lý xử thu hồi kim loại. Đồng thời, tổ chức khai thác mỏ sắt Quý Xa đạt 100% công suất thiết kế đạt 3 triệu tấn/năm. Về dự án mở rộng sản suất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.
“Tổng Công ty thép, Công ty gang thép Thái Nguyên đã thuê các công ty tư vấn Luật xây dựng các phương án, kịch bản, xin ý kiến của Bộ Tư pháp. Trong đó có 3 kịch bản. Đó là kịch bản là tiếp tục với MCC triển khai các dự án. Kịch bản thứ hai, cùng với MCC xem xét nếu không thỏa thuận, đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thứ ba là kết thúc thông qua Tòa án. Chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh phương án đàm phán. Trong quý 1, MCC cùng với 14 nhà thầu Việt Nam tiếp tục đàm phán xác định khối lượng, xây dựng kế hoạch để triển khai quyết toán các phần còn lại để khi thoái vốn xong triển khai dự án”, ông Nghiêm Xuân Đa cho biết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thì một mặt tạo năng lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao hơn. Đồng thời, cần tập trung cắt bỏ năng lực sản xuất dư thừa, yếu kém, không còn khả năng phục hồi.
Phó Thủ tướng đề nghị, sớm giải quyết dứt điểm đối với 12 dự án yếu thua lỗ của ngành công thương, nhất là những tồn tại vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại.
Bên cạnh đó, phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đối với từng dự án, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nêu rõ, không cung cấp thêm nguồn vốn cho 12 dự án này và xử lý trên nguyên tắc thị trường, chia sẻ rủi ro và lợi ích của các bên có liên quan như: nhà đầu tư, ngân hàng, tổ chức tài chính… trong vấn đề cơ cấu lại tín dụng, về kỳ hạn vay, lãi vay.
“Vấn đề xử lý tài chính cơ bản các dự án, doanh nghiệp đã có sự vào cuộc các tổ chức tín dụng, thương mại, ngân hàng theo phạm vi thẩm quyền để tái cơ cấu các khoản nợ, tạo điều kiện Bộ tài chính dãn khấu hao. Nhưng còn 1 số đơn vị còn vướng mắc, đặc biệt vấn đề đảm bảo nhu cầu vốn lưu động. Đề nghị Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo các tổ chức tài chính tín dụng vào cuộc theo tinh thần chia sẻ rủi ro. Nguyên tắc chia sẻ rủi ro theo nguyên tắc thị trường, trong phạm vi quy định của pháp luật, không có cơ chế đặc thù”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo