Không có chuyện tính toán GDP thiếu xác thực và minh bạch
Hết quý I năm 2014, Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP của cả nước đạt 4,96%. Tuy nhiên, mới đây, Tổng cục Thống kê lại điều chỉnh con số này lên 5,09%. Việc đưa ra 2 con số không thống nhất khiến cho dư luận trong và ngoài nước nghi ngờ về tính xác thực và minh bạch của các con số GDP mà Tổng cục Thống kê đưa ra.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
PV: Thưa ông, mức tăng trưởng 5,09% GDP trong quý I so với con số 4,96% là một mức tăng đáng kể. Vậy tại sao lại có chênh lệch này?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Chỉ tiêu thống kê nói chung, chỉ tiêu GDP nói riêng có 3 loại số liệu: số liệu ước tính; số liệu sơ bộ và số liệu chính thức. Số ước tính thường được Tổng cục Thống kê tính toán và công bố vào ngày 26 tháng cuối cùng của quý đó. Lúc đó, tình hình sản xuất kinh doanh chưa diễn ra hết nên Tổng cục Thống kê phải ước tính toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh đó.
Cho nên, khi có số ước tính xong thì vào tháng 6, chúng tôi mới có đầy đủ thông tin về tình hình kinh tế của quý 1 thì chúng tôi tiến hành tính toán lại số này và số này là số sơ bộ.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có giá trị tăng thêm, số sơ bộ tính toán vào tháng 6 tăng 2,74% cao hơn 0,37% so với số ước tính vào tháng 3. Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng có giá trị tăng thêm tăng từ 4,69% lên 5,03%, trong đó, công nghiệp tăng từ 4,88% lên 4,97%; xây dựng tăng từ 3,4% lên 5,4%. Chúng tôi công bố số liệu ước tính để phục vụ kịp thời công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.
Ở các nước, người ta không có số ước tính mà chỉ có số sơ bộ và số chính thức, bởi ở các nước, số sơ bộ GDP của 1 quý công bố sau 6 tuần khi kết thúc quý, chẳng hạn GDP của quý 1 năm 2014 được công bố lần đầu vào giữa tháng 5 năm 2014.
PV: Dư luận hoài nghi về cách tính GDP của Tổng cục Thống kê?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, tôi khẳng định phương pháp tính GDP của Tổng cục Thống kê là hoàn đúng phương pháp luận quốc tế của cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc trong tính toán chỉ tiêu GDP, việc tính toán căn cứ các nguồn thông tin từ điều tra tháng, quý, năm và chế độ báo cáo thống kê từ các Bộ, ngành, tổng công ty. Đây là các nguồn thông tin có độ xác thực và có căn cứ rất tốt, phản ánh sát thực tình hình kinh tế đất nước.
Trước đây, năm nào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cử các đoàn kiểm tra kết quả tính GDP và rà soát nguồn thông tin dùng để tính toán của Việt Nam. Trong những năm gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng như Ngân hàng Thế giới không đặt nội dung này trong chuyến công tác của họ.
Hiện nay, hàng năm họ vào Việt Nam chỉ để nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế nước ta, không còn đặt vấn đề trao đổi về phương pháp tính và nguồn thông tin do Tổng cục Thống kê áp dụng.
Tổng cục Thống kê áp dụng 3 phương pháp tính GDP. Đối với GDP quý thì chúng tôi áp dụng đồng thời hai phương pháp là phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng và hàng quý đều công bố kết quả của cả 2 phương pháp này. Phương pháp thứ 3 là phương pháp thu nhập thì cứ 5 năm chúng tôi làm 1 lần khi có điều tra chi tiết, điều tra cân đối liên ngành.
PV: Thưa ông, trong tương lai gần, Tổng cục Thống kê có kế hoạch gì để nâng cao chất lượng các chỉ tiêu thống kê?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Mục tiêu nâng cao chất lượng của các chỉ tiêu thống kê và đặc biệt là chỉ tiêu GDP là mục tiêu rất quan trọng của Tổng cục Thống kê.
Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang đổi mới quy trình thu thập thông tin, bổ sung và hoàn thiện các công cụ tính toán và đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP của các địa phương nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch GDP của toàn bộ nền kinh tế với GDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới quy trình biên soạn GDP cấp tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu từ năm 2016 trở đi, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán GDP cho các tỉnh, thành phố và cho toàn bộ nền kinh tế.
Đổi mới quy trình biên soạn GDP cấp tỉnh để bảo đảm phương pháp tính GDP cấp tỉnh được áp dụng thống nhất trong cả nước, bảo đảm đồng nhất về phạm vi tính toán và đảm bảo tính so sánh được giữa các địa phương về chỉ tiêu này. Tuy vậy, việc đổi mới quy trình biên soạn cần phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, phải có lộ trình và bước đi phù hợp bởi đây là quy trình rất phức tạp.
Vâng. Xin cảm ơn ông!
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo