Tin tức - Sự kiện

Không có chuyện Trung Quốc đóng cửa khẩu Hữu Nghị

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã bác bỏ tin đồn Trung Quốc đã đóng cửa khẩu Hữu Nghị giáp với Lạng Sơn.

Trước thông tin đóng cửa khẩu Hữu Nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay "thông tin đóng cửa khẩu Hữu Nghị là không chính xác".

Ông Bình nói: “Hiện tôi và đoàn của Bộ Tư lệnh biên phòng Việt Nam đang làm việc với bộ đội biên phòng của Trung Quốc tại Nam Ninh, Trung Quốc. Mọi hoạt động của người dân ở khu vực biên giới cũng như của nhân dân trong tỉnh vẫn bình thường, không có gì xáo trộn”.
 
Việt Nam và Trung Quốc hiện có 9 cặp cửa khẩu.
 
Cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Hữu Nghị Quan của Trung Quốc là một trong 9 cặp cửa khẩu đã được hai nước Trung Quốc và Việt Nam mở cửa lâu nay, theo hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa hai chính phủ.
 
Cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan nằm gần mốc giới số 1116, 1117 trên biên giới Việt - Trung. Hai bên cửa khẩu là thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thị trấn Hữu Nghị, thành phố Bằng Tường, thành phố Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
 
Đây là cửa khẩu quốc tế. Thời gian làm việc phía Việt Nam là 7h00 - 19h00 giờ Hà Nội (hàng hóa xuất – nhập khẩu trước 16h30). Thời gian làm việc phía Trung Quốc là 8h00 - 20h00 giờ Bắc Kinh (hàng hóa xuất - nhập khẩu trước 17h30).
 
Ngoài 9 cặp cửa khẩu này, hai nước còn có 13 cặp cửa khẩu khác thuộc diện "sẽ được mở khi có đủ điều kiện, thời gian và thể thức mở cụ thể sẽ do hai bên thỏa thuận qua đường ngoại giao".
 
Trước khi mở chính thức các cặp cửa khẩu này, việc xuất - nhập cảnh tại các khu vực đó của người, hàng hóa, vật phẩm và phương tiện giao thông vận tải đều phải căn cứ các quy định kiểm tra, kiểm nghiệm theo pháp luật của mỗi bên và các quy định liên quan do hai bên thỏa thuận.
 
Hiệp định cũng quy định việc mở chính thức, mở mới, đóng cửa các cặp cửa khẩu biên giới sẽ thỏa thuận thông qua đường ngoại giao.
 
Trong trường hợp đặc biệt phải đóng cửa khẩu hoặc tạm thời mở cửa ngoài thời gian làm việc, hai bên cần phải thông báo và trao đổi thống nhất với nhau qua đường ngoại giao trước ít nhất 5 ngày. Việc mở lại cửa khẩu cần phải thông báo cho phía bên kia qua đường ngoại giao và phải được phía bên kia xác nhận.
 
Trong thời gian vừa qua, việc xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu tuy có nhiều rủi ro nhưng xuất khẩu tiểu ngạch vẫn là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.
 
Theo thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có kim ngạch tăng trưởng bình quân 3 năm gần đây (2010-2012) đạt gần 36% và chiếm tỷ trọng gần 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới.
 
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn phụ thuộc chủ yếu qua đường tiểu ngạch là biên mậu.
 
Bên cạnh đó, trong năm 2013, khi mà các doanh nghiệp gặp khó về thị trường, thì sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu gạo biên mậu qua sang Trung Quốc đã cứu giá lúa trong nước.
 
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2013 xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc cao gấp 4 lần năm 2012, đạt hơn 1,5 triệu tấn. Có thời điểm giá gạo xuất khẩu tiểu ngạch cao hơn xuất chính ngạch đến 50 USD/tấn.
 
Do đó có thể nói, xuất tiểu ngạch đã có công trong việc giữ giá lúa nội địa ổn định từ cuối vụ hè thu (sau khi chương trình tạm trữ của Chính phủ kết thúc) và tăng cao dần trong vụ thu đông cho đến nay.
 
Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang, cũng cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu chính ngạch còn gặp rất nhiều khó khăn, thì Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch nhằm góp phần tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong nước.
 
Tuy nhiên, việc xuất khẩu qua cửa khẩu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo phân tích của TS. Trần Công Thắng (Viện Chính sách nông nghiệp Việt Nam, Bộ NNPTNT), do thị trường Trung Quốc quá lớn nên nhu cầu hay diễn biến thị trường của Trung Quốc thay đổi dù chỉ 1%, sẽ gây biến động có khi lên tới 40-50% cho sản xuất nông sản tại Việt Nam.
 
Thực tế, cũng đã có không ít lần xảy ra tình trạng xe chở chuối, dưa hấu, thanh long… xếp hàng dài hàng cây số, ứ đọng ở cửa khẩu khi có những thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo