Thị trường

Không để Bộ, ngành “quản” doanh nghiệp có vốn Nhà nước

Sáng nay (7/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu cho ý kiến là việc thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn Nhà nước.

 Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thảo luận ở tổ.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, một trong những mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, năng động, linh hoạt để giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Thảo luận tại tổ, hầu hết ý kiến Đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định tại Điều 1 của dự thảo luật, trong đó xác định vị trí, chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 94 Hiến pháp. “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.
 
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần cụ thể hóa rõ hơn quy định nêu trên của Hiến pháp, nhất là quy định mới về quyền hành pháp của Chính phủ.
 
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng cần quy định Chính phủ thực hiện quyền lập quy, chứ không nói chung chung như tại Điều 7 của dự thảo luật là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
 
Về quyền hạn của Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần quy định quyền hạn của Thủ tướng đối với vấn đề cán bộ. “Trong quá trình vận hành, nếu Bộ trưởng nào không làm tốt thì Thủ tướng có quyền đề nghị Uỷ ban Thường vụ, Quốc hội đình chỉ công tác. Bên cạnh đó, nên có cơ chế để Thủ tướng được đình chỉ công tác thành viên Chính phủ trong khi chờ tập thể xem xét”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm nhấn mạnh.
 
Liên quan đến DN có vốn Nhà nước, luật hiện hành quy định: “Bộ, cơ quan ngang Bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn Nhà nước”.  Dù vậy, trên thực tế, chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn Nhà nước chỉ thực hiện đối với một số Bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế.
 
Về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn TP. Hà Nội), đây là câu chuyện đã bàn khá lâu. Đại biểu thẳng thắn: “Mặc dù luôn xác định tiến tới tách bạch rạch ròi giữa quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh nhưng trên thực tế, các Bộ chuyên ngành vẫn đang quản lý các tập đoàn, DN Nhà nước qua việc can thiệp, quản lý về vốn, con người, tổ chức…”. Đồng quan điểm, ý kiến các đại biểu thuộc đoàn TP. Hà Nội như: Bùi Thị An, Trịnh Ngọc Thạch… đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải tập trung làm công tác quản lý Nhà nước, ít can thiệp vào các hoạt động sự nghiệp, nếu không sẽ dẫn tới sự "méo mó" về quản lý, thậm chí là làm phát sinh lợi ích nhóm.
 
Uỷ ban Pháp luật Quốc hội cũng tán thành việc không quy định Bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn nhà nước. Cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ để quy định cụ thể về cơ chế tổ chức, hoạt động nhằm thực hiện chức năng này trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
 
 
Chính phủ đề nghị không quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn Nhà nước. Chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn Nhà nước sẽ do Chính phủ thực hiện hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Theo báo Công thương Điện tử
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo