Chứng khoán

Không dễ cưỡng chế vi phạm chứng khoán

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện nay do hạn chế về thẩm quyền cũng như lực lượng nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán.

Cần tăng thẩm quyền cho UBCKNN để giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể với các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm, không nộp tiền vi phạm, pháp luật đã quy định thẩm quyền cưỡng chế của UBCKNN và các biện pháp cưỡng chế được áp dụng như: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ từ tài khoản của đối tượng vi phạm, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để đấu giá...

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, do hạn chế về thẩm quyền cũng như lực lượng nên việc xác minh tại chỗ các thông tin liên quan đến đối tượng vi phạm như: Thông tin về nơi làm việc, thông tin về tài khoản ngân hàng hoặc thông tin về tài sản của đối tượng vi phạm để phục vụ cho việc xem xét áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, do thẩm quyền của UBCKNN hiện còn hạn chế trong việc triệu tập, yêu cầu các đối tượng vi phạm giải trình, chấp hành việc xử lý vi phạm nên một số trường hợp cố tình không phản hồi hoặc không trực tiếp đến làm việc để ký biên bản vi phạm hành chính

“Trong thời gian tới, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật mới về xử lý vi phạm hành chính cần có hướng nghiên cứu đưa ra phương án cụ thể để xử lý những tồn tại, bất cập trên, nhất là đối với trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không nộp tiền phạt; cần có cơ chế phối hợp với các cấp, các ngành và các lực lượng có liên quan như: Ngân hàng, Công an… để đảm bảo thực thi quyết định xử phạt vi phạm hành chính”- Bộ Tài chính đề xuất với Bộ Tư pháp trong một văn bản mới đây.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản  gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với đề nghị bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho UBCKNN đối với 3 tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán.

Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo