Không để xảy ra oan sai vụ án oan 10 năm
Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 7/11, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định ngành xác định mục tiêu hàng đầu là không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm. Tuy nhiên chất vấn của các đại biểu dường như không thừa nhận khẳng định này khi nhắc tới vụ án Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) chịu oan sai 10 năm mà chỉ đến khi hung thủ thực tự lộ mặt câu chuyện mới được vỡ lẽ.
Tái thẩm hay giám đốc thẩm?
Do tính chất vụ việc đang được dư luận quan tâm, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình giải phải trình về lý do tại sao ông ký quyết định tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn mà không phải giám đốc thẩm.
Theo ông Bình, tái thẩm là khi có những tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Trong vụ này, có sự xuất hiện của Lý Nguyễn Chung ra đầu thú là tình tiết mới.
"Tái thẩm hay giám đốc thẩm, cuối cùng những vi phạm nếu có của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý. Không phải tái thẩm là anh lẩn tránh được trách nhiệm hay giám đốc thẩm thì anh mới bị xử lý.
Vì đã sai ở giai đoạn nào khi đã có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm những tập thể và cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều được đặt ra và xử lý nghiêm. Các kết luận của tái thẩm, giám đốc thẩm đều giống nhau, không phải tái thẩm thì có kết luận khác và giám đốc thẩm thì lại có kết luận khác, điều này đã được pháp luật quy định", ông Bình khẳng định.
Ông Bình cũng nói thêm, ngành có kế hoạch rất chu đáo để nâng cao hoạt động công tố để chống oan, chống lọt bằng cách đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, yêu cầu mỗi kiểm soát viên phải nâng cao trách nhiệm trong quá trình làm nhiệm vụ.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thì cho rằng, ngành xác định mục tiêu hàng đầu là không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm. Ngành đã tập trung chấn chỉnh khắc phục, hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, qua đó tỷ lệ án oan sai đã giảm đáng kể.
Dường như không thừa nhận điều này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), ủy viên thường trực UB Tư pháp nói thẳng vụ Nguyễn Thanh Chấn không phải là vụ án oan duy nhất.
Đại biểu Cường cho rằng phải xem xét lại hoạt động tư pháp, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra oan sai.
Có che giấu cái sai?
Lý giải của cơ quan hữu trách là như vậy, song trước đó ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội lại cho rằng: “Nếu thực hiện xét xử tái thẩm vụ án "giết người" mà ông Chấn bị kết án chung thân là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó”.
Theo đó ông Khiển cho rằng: Bộ luật Hình sự quy định, việc điều tra chứng minh bị can có tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không chứng minh được thì phải tuyên bố họ vô tội. Giờ đã điều tra xác định ông Chấn hoàn toàn bị oan sai rồi thì phải minh oan cho người ta theo đúng trình tự thủ tục: kháng nghị giám đốc thẩm để hủy bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm, minh oan và đền bù cho người ta.
“Không thể gộp hai vụ làm một để cho rằng đó là tình tiết mới và tiến hành tái thẩm. Còn nếu đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang cố tình “lách” để lấp liếm đi cái sai của mình trước đó”, ông Khiển bức xúc.
Ông Khiển lý giải, cơ quan tiến hành tố tụng không thể lấy chi tiết Chung ra đầu thú là tình tiết mới của vụ án để tiến hành tái thẩm. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau và phải là hai vụ án hoàn toàn độc lập.
Sau khi Chung ra đầu thú, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải có trách nhiệm điều tra, chứng minh hành vi phạm tội của Chung. Sau đó, dựa trên lời khai và các chứng cứ khách quan để truy tố, kết tội đối tượng này. Tuyệt nhiên, không thể nhập hai việc này vào một để cho rằng đó là tình tiết mới để tái thẩm.
Tuy nhiên ông Bình lại khẳng định, việc xét xử kẻ ra đầu thú là một vụ án khác, phải mở một cuộc điều tra khác, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời khai của đối tượng mà đưa ra xét xử. Còn kháng nghị tái thẩm là khi có những tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Trong vụ này, có sự xuất hiện của ông Lý Nguyễn Chung. Tuy tòa chưa tuyên, nhưng khả năng phạm tội của ông Chung là khá rõ ràng.
“Cả giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận của toà án trong luật đã ghi rồi hoặc bác kháng nghị đó, hoặc chấp nhận kháng nghị hoặc hủy án trả lại điều tra bổ sung từ đầu. Các kết luận của tái thẩm, giám đốc thẩm đều giống nhau, không phải tái thẩm thì có kết luận khác và giám đốc thẩm thì có kết luận khác, điều này đã được pháp luật quy định”, ông Bình khẳng định.
Với quan điểm này, ông Bình hứa cũng hứa sẽ xem xét trách nhiệm những tập thể, cá nhân tham gia quá trình tố tụng vụ việc này đều phải xử lý nghiêm.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo