Thị trường

Không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu

(DNVN) - Thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ngày 7/6, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với dự thảo không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, tranh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu.

Tại phiên thảo luận, vấn đề nợ xấu được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, về nguyên tắc xử lý nợ xấu, đại biểu đồng tình với dự thảo không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, tranh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu.

Đóng góp thêm cho dự thảo luật, về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị bên cạnh các tổ chức tín dụng, ngân hàng, cần bổ sung quỹ đầu tư phát triển địa phương, vì quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng hoạt động như tổ chức tín dụng và cũng có nợ xấu.

Để hạn chế nợ xấu trong thời gian tới, đại biểu đề nghị nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu cũng như hạn chế được nợ xấu phát sinh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Cần nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác tín dụng, nợ xấu phải được quản lý và giám sát, xử lý chặt chẽ, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần định hướng tín dụng, phục vụ cho chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, tránh bơm vốn cho bong bóng bất động sản để có thể dẫn đến rủi ro tăng nợ xấu, đổ vỡ dây chuyền cho nền kinh tế.

Trong khi đó, nói về nguyên nhân gây ra nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận có nguyên nhân chủ quan đó là quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng.

Thống đốc Ngân hàng cho rằng, năng lực quản trị rủi ro của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế, kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt. Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay. Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định.

Ông Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, việc để nợ xấu tăng cao còn do nguyên nhân từ công tác thanh tra giám sát của ngân hàng nhà nước vẫn còn hạn chế. Năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ thanh tra ngân hàng còn bất cập, còn một số ít trường hợp cán bộ thanh tra giám sát của ngân hàng còn để xảy ra vi phạm pháp luật.

"Từ năm 2011 đến năm 2016, báo cáo với Quốc hội, theo thống kê của Bộ Công an, các cơ quan điều tra của Bộ Công an, không bao gồm công an các địa phương, đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng", ông Hưng cho biết.

 

Cũng theo ông Hưng, chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều người là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc ngân hàng, với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm…

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, người đứng đầu NHNN bổ sung trong dự thảo Nghị quyết là không sử dụng ngân sách nhà nước, bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của ngân hàng. NHNN tiếp thu bổ sung khái niệm về nợ xấu, đã bổ sung một phụ lục về xác định nợ xấu đính kèm theo Nghị quyết bảo đảm rõ ràng minh bạch và bổ sung các quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi phụ lục này theo đề nghị của Chính phủ.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo