Không giảm lương, không tăng giá điện
Hàng loạt những vấn đề kinh tế xã hội nóng đã được Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đặt lên bàn nghị sự: Từ các vấn đề vĩ mô như bội chi, vốn trái phiếu chính phủ, tái cơ cấu kinh tế cho đến các vấn đề về lương và giá điện thiết thực với cuộc sống của người dân.
2014, nâng đầu tư ngân sách lên 255.000 tỉ đồng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm đã chuyển biến tích cực, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, Chính phủ phải tiếp tục chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát “không được lơ là”. Thủ tướng cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô tốt lên, nhưng chưa vững chắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý cho đầu tư ngân sách ở mức 5,3% năm 2014 và cho phép phát hành trái phiếu chính phủ nhưng không vượt quá giới hạn nợ công cho phép là 65% GDP. Vì vậy, Chính phủ sẽ trình Hội nghị 8 BCH T.Ư và Quốc hội để nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3%.
Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, yêu cầu đầu tư tại Việt Nam hiện rất lớn. Ông cho biết, cứ bội chi 1% GDP thì tương đương khoảng 40.000 tỉ đồng. Năm 2013, Việt Nam bội chi 4,8%, và tính ra kế hoạch năm nay tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 185.000 tỉ đồng, cùng 45.000 tỉ trái phiếu chính phủ và một số khoản khác là 230.000 tỉ đồng.
“Năm 2014, để kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,5% vẫn phải có một phần đầu tư và tính toán tối thiểu thì cũng phải đầu tư khoảng 255.000 tỉ đồng và cân đối tổng thu - tổng chi thì chúng ta buộc phải đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ phần bội chi này cho đầu tư” - Bộ trưởng Đam cho hay.
Bảo vệ doanh nghiệp để bảo vệ việc làm cho người lao động
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kể về chuyến thăm một DN sản xuất phụ gia thức ăn gia súc DCP tại Lào Cai. Chủ DN cho biết đầu tư mở xưởng sau khi thấy mặt hàng này được nhập khẩu 100% từ Trung Quốc với giá 15.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi sản phẩm của DN Việt Nam được đưa ra thị trường, thì hàng Trung Quốc giảm còn 14.000 đồng/kg. DN Việt giảm đồng giá để cạnh tranh thì mặt hàng của TQ tiếp tục được giảm xuống 13.000 đồng/kg rồi 10.000 đồng/kg và giờ chỉ còn có 6.500 đồng/kg.
Trong lúc đó, để hòa vốn, DN tư nhân Việt Nam phải bán được tối thiểu ở giá 9.000 đồng/kg. Sự cạnh tranh quá lớn từ Trung Quốc khiến hàng của công ty này bị tồn kho 80.000 tấn.
“Các cơ quan chức năng phải xem xét lại hàng rào kỹ thuật, hay liệu có thuế nhập khẩu áp với mặt hàng trên không. Chúng ta cần phải nâng thuế lên để bảo vệ DN trong nước. Chứ cứ sản xuất ra là tồn kho, thì chết DN. Từng mặt hàng một đều bị cạnh tranh gay gắt” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu.
Ý kiến trên đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều thành viên Chính phủ chia sẻ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN, bởi bảo vệ DN cũng là bảo vệ việc làm cho các lao động tại đó.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam kể, trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Pháp vừa qua, nước bạn đã đưa cả các chủ DN có các dự án tại Việt Nam vào ngồi cùng bàn đàm phán và đề nghị phía Việt Nam trả lời về vướng mắc của họ. “Tất cả các nước đều rất quan tâm đến tháo gỡ khó khăn cho DN” - ông nói.
Còn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhận định Việt Nam hiện “hơi buông” về bảo hộ DN, trong lúc đáng lẽ “cái gì bảo hộ được là phải làm”.
Câu chuyện lương, điện
Liên quan đến các vấn đề thiết yếu của cuộc sống người dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu giá xăng dầu dứt khoát phải được điều hành theo giá thị trường. Về giá điện, Thủ tướng cho biết theo tính toán chưa tăng giá, nhưng phải điều chỉnh cách tính cho các hộ nghèo.
“Cần có cách tính bù lỗ rõ ràng và rạch ròi cho 16% hộ nghèo bằng ngân sách, chứ không để tình trạng nhập nhằng mà người dân không hiểu. Còn lại 8% các khu công nghiệp, HTX nông thôn phải được đưa lên đúng giá thành chứ không thể tiếp tục bù lỗ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Trước một số ý kiến trong Chính phủ đề nghị xem xét giảm lương để giảm chi ngân sách, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng không nên đặt ra vấn đề này, vì nó sẽ ảnh hưởng tâm lý xã hội, cũng như tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng sẽ khó có thể lý giải được “câu chuyện giảm lương trong lúc GDP vẫn tăng”.
Nêu ý kiến về vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Không thể giảm lương, khi tăng lương được 3 năm nay thêm 35%, nhưng giá cũng tăng 35%”.
Bộ trưởng LĐTBXH cho biết, đã đề xuất mức lương tối thiểu vùng là 2,7 triệu đồng và đã trình Thủ tướng để sớm ban hành trước tháng 10 nhằm giúp các DN lập cân đối thu - chi.
Trả lời PV Lao Động, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam thường là nhờ lực lượng lao động cần cù, sáng tạo và lương thấp. Vì vậy, điều chỉnh thì phải rất cân đối, hài hòa” - Bộ trưởng Đam cho hay.
Bộ trưởng Đam cũng bày tỏ về sức ép ngân sách, khi nếu ngân sách thu 100 đồng thì phần dành cho trả nợ khoảng 15%; đầu tư phát triển 20%, còn lại 65% là chi thường xuyên, trong đó khoảng hơn một nửa là chi cho lương, cho công chức, viên chức...
“Đối với DN cần cân đối vì nếu tăng lương cao quá sẽ không còn sức cạnh tranh, còn khu vực lương dùng ngân sách nếu tăng cao thì ngân sách không có” - Bộ trưởng giải thích.
Thủ tướng chỉ đạo quản lý mặt hàng sữa Tại cuộc họp báo chiều 29.9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đã ký văn bản số 8119 gửi các bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Công Thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương ban hành trước ngày 5.10 danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện quản lý giá theo đúng quy định của pháp luật về giá. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: “Tôi đã trực tiếp hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế là liệu gấp như vậy thì có được không, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ làm được”. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Trước đây chúng ta đã nói đến chuyện giá, chuyện lãi thật, lỗ giả để trốn thuế, chúng ta hôm nay nói đến chuyện các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, kẽ hở của sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để “làm giá”, trục lợi. “Nhân việc này, tôi cũng đề nghị chúng ta cần phải tuyên truyền để kêu gọi nhân dân, kêu gọi doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng, phải có tấm lòng” - ông thúc giục. A.P |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất