Tin tức - Sự kiện

Không nên kỳ vọng quá lớn ở VAMC

Công ty Quản lý tài sản đã chính thức được “khai sinh”. Song VAMC không phải là chiếc “đũa thần” có thể hóa giải hết nợ xấu. Để Công ty này hoạt động hiệu quả trong tương lai cũng còn nhiều vấn đề phải bàn…
(KinhtevaDubao) - VAMC không phải “đũa thần”
 
Theo TS. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, khi việc giải quyết nợ xấu không thể lấy tiền từ ngân sách nhà nước ra, cũng như việc hạn chế phát hành tiền của Ngân hàng Nhà nước vì lo ảnh hưởng tới lạm phát thì việc VAMC ra đời là giải pháp phù hợp và cần thiết.
 
Việc liệu VAMC có giải quyết triệt để được nợ xấu như kỳ vọng hay không cũng cần phải xác định rằng, không thể yêu cầu quá lớn đối với giải pháp thành lập VAMC. Hay nói cách khác, một mình VAMC không thể làm được tất cả mà cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm, trước hết là phải ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Trước lo ngại vướng mắc về quyền sở hữu tài sản khi bán tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài được xem là giải pháp hiệu quả, ông Ngoạn cho rằng, nếu như nhà đầu tư nước ngoài họ mua thì cũng nên xem xét, tạo điều kiện cho họ mua. Những đất đai, tài sản gắn liền với đất thì có những quy định liên quan tới sở hữu của người trong nước và sở hữu của người nước ngoài. Và nếu có những vướng mắc này thì nên có biện pháp tháo gỡ.
 
“Tuy nhiên, VAMC không phải là “cây đũa thần” trong vấn đề xử lý triệt để nợ xấu mà nó chỉ là một công cụ quan trọng góp phần giải quyết nhanh tình hình khó khăn chung hiện nay của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp mà thôi”, ông nhấn mạnh.
 
Cũng cần nhìn nhận rõ rằng, VAMC chỉ mua nợ của tổ chức tín dụng trong khung thời gian 5 năm. Trong thời gian 5 năm này, tổ chức tín dụng phải tự trích lập dự phòng dưới 20% để có nguồn mua lại nợ xấu. Nếu như sau 5 năm, VAMC không bán được khoản nợ xấu đó, thì tổ chức tín dụng phải mua lại hoặc có nguồn đó để xử lý.
 
Như vậy, có thể nói, VAMC mang tính chất xử lý tạm thời trong khoảng thời gian 5 năm. Nhưng trong thời gian này, nó sẽ giúp cho tổ chức tín dụng giải quyết được phần nào những tồn tại, vướng mắc.
 
Để hoạt động có hiệu quả…
 
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, Ngân hàng Nhà nước nên hướng dẫn chi tiết điều kiện để cơ cấu lại khoản nợ xấu. Theo đó, chỉ nên cơ cấu lại nợ xấu cho các khách hàng có khả năng phục hồi, có tiềm năng phát triển và cuối cùng là phải trả được nợ.
 
“Còn đối với những doanh nghiệp đang có nợ xấu mà khả năng phục hồi chưa rõ ràng, phương án trả nợ còn mờ nhạt mà chúng ta lại cơ cấu lại khoản nợ xấu đó, rồi tiếp tục bơm vốn cho các anh này thì rất nguy hiểm đối với nền kinh tế. Vì rất có thể đây lại là những anh có thể sẽ dẫn đến nợ xấu”, ông Hiếu nói.
 
“Thực tế có nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Hợp đồng vay vốn là để phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng khi vốn đến tay doanh nghiệp thì lại được đổ vào lĩnh vực kinh doanh có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán...” - ông Hiếu nhấn mạnh.
 
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, VAMC dự kiến sẽ xử lý được nợ xấu với khoảng 100.000 tỉ đồng, tức là gấp 200 lần vốn tự có của VAMC. Ông Hiếu nhận định rằng để giải quyết khoản nợ xấu có giá trị lớn này, nguồn vốn chính phải từ phát hành trái phiếu.
 
Góp ý kiến để Công ty này vận hành có hiệu quả trong thời gian tới, người đứng đầu cơ quan giám sát tài chính quốc gia, TS. Vũ Viết Ngoạn cho hay, việc quan trọng nhất là làm sao để VAMC có điều kiện, công cụ để xử lý nợ, bán tài sản càng sớm càng tốt.
 
Ở đây ngoài việc cho phép VAMC không phải chịu thuế với việc bán tài sản (kể cả thuế thu nhập doanh nghiệp) thì phương thức, cách thức xử lý tài sản, bán tài sản, đấu giá tài sản cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC. “Thêm nữa, cũng phải xác định, trong thời gian này, bản thân các tổ chức tín dụng đang rất nhiều khó khăn và nếu để các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm chủ yếu trong việc bán tài sản thì rất khó, nhất là trong trường hợp chủ sở hữu tài sản (người đi vay) họ chần chừ không muốn bán. Tôi nghĩ rằng, nên cho VAMC có quyền mạnh hơn nữa để xử lý tài sản”, ông Ngoạn khuyến nghị./.
 
 
 
 
Lê Vân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo