Không nên kỳ vọng sớm xử lý được nợ xấu
Ông đánh giá thế nào về tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại hiện nay?
Trong 6 tháng đầu năm nay, nợ xấu do các ngân hàng thương mại công bố có dấu hiệu tăng lên, nhưng điều này cũng cho thấy, các ngân hàng đã dần minh bạch hơn trong việc công bố nợ xấu.
Các ngân hàng có thực lực để xử lý được nợ xấu thì mới dám công khai về tỷ lệ nợ xấu hiện có. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, kể cả hy sinh phần lợi nhuận. Tính đến nay, có tới 33.000 tỷ đồng được các ngân hàng trích dự phòng rủi ro.
Thực tế này cho thấy, các ngân hàng luôn đặt an toàn về rủi ro tín dụng lên hàng đầu. Ngoài ra, các ngân hàng còn đẩy mạnh bán nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Song vẫn cần có thời gian để xử lý nợ xấu, chứ không thể kỳ vọng giải quyết chỉ trong thời gian ngắn.
Theo ông, tỷ lệ nợ xấu cần được kiểm soát ở mức nào thì nền kinh tế có thể tốt hơn?
Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng đến cuối năm 2015, nợ xấu của Việt Nam sẽ được kiểm soát ở mức tốt nhất là dưới 3%. Nhưng để đạt được mục tiêu là điều hoàn toàn không dễ.
Khi nợ xấu đã được kiểm soát tốt, nguồn vốn tín dụng được khơi thông, thì doanh nghiệp sẽ không còn quá khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Liệu các quy định tại Thông tư 09/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được áp dụng từ đầu tháng 6/2014 có làm nợ xấu tăng và các ngân hàng có đủ năng lực để ứng phó với thực trạng này?
Các quy định của Thông tư 09/2014/TT-NHNN đã được công bố cách đây khá lâu, nên các ngân hàng thương mại đã có sự chuẩn bị khá kỹ trước khi Thông tư này có hiệu lực. Vì thế, theo tôi, các ngân hàng không gặp quá nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định này trong quá trình phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro.
Mặt khác, để đảm bảo hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, thì việc áp dụng các quy định của Thông tư 09/2014/TT-NHNN là rất cần thiết với ngân hàng thương mại.
Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận của các ngân hàng năm nay, thưa ông?
Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong 3 năm gần đây do ảnh hưởng bởi nợ xấu của ngành tăng cao trước tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho tăng, sức mua yếu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn cũng kéo theo nợ xấu của ngân hàng tăng. Điều này cũng có nghĩa, các ngân hàng thương mại khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao khi trích lập dự phòng rủi ro đòi hỏi ngày một cao. Trong khi đó, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận lại chủ yếu từ tín dụng, mà tăng trưởng tín dụng hiện ở mức rất thấp.
Nhiều ngân hàng thương mại công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 50% kế hoạch năm, nhưng chỉ tiêu các ngân hàng đưa ra cho năm nay là khá thấp, khá thận trọng. Khi tỷ lệ nợ xấu cao, lợi nhuận thấp là điều dễ hiểu.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn lớn. Ông có nghĩ như vậy không?
Không nên kỳ vọng lãi suất giảm xuống nữa so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay. Hiện lợi nhuận của các ngân hàng đã được phân hóa khá rõ nét. Ngay cả một số ngân hàng hoạt động tốt, thì lợi nhuận cũng đã giảm mạnh. Song thực tế này cũng được đánh giá là lợi nhuận của các ngân hàng đã thực hơn so với trước. Để kỳ vọng lợi nhuận cao lúc này là không dễ với nhiều ngân hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%