Tin tức - Sự kiện

Không nên lo lắng nếu con bạn chậm biết đi

Người ta thường quan niệm trẻ biết đi sớm hơn thì tốt hơn. Thực tế, các bậc phụ huynh đang lo lắng về việc bé yêu của mình tụt hậu không cần phải sợ hãi như vậy, một nghiên cứu khẳng định.

Các nhà nghiên cứu cho biết độ tuổi mà trẻ bước những bước đi đầu tiên có rất ít ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Cụ thể, những trẻ lẫm chẫm đi được lúc 9 tháng tuổi thì về sau không có gì tiến bộ hơn các bé biết đi chậm hơn. Và những bé ngồi vững từ rất sớm thì cũng không chắc sẽ thông minh sáng láng hơn bạn cùng lứa, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Acta Paediatrica.

Nhóm khoa học từ Bệnh viện trẻ em Zurich (Thụy sĩ) đã theo dõi trí thông minh và khả năng hợp tác của hơn 222 em bé khỏe mạnh từ năm 1978 cho đến năm 1993. Các trẻ này được kiểm tra 7 lần trong 2 năm đầu đời và các bài kiểm tra định kỳ về sự thăng bằng, khả năng hợp tác, trí thông minh cho đến tận năm 18 tuổi.

Trung bình, các bé bắt đầu ngồi vững lúc 6,5 tháng. Nhưng một số bé có thể ngồi được khi chưa đầy 4 tháng, và số khác không thể làm được điều đó khi qua sinh nhật đầu tiên. Tuổi biết đi trung bình là 12 tháng, nhưng thay đổi từ 8,5 tháng cho tới tận tháng 20.

Nhóm nghiên cứu kết luận có rất ít hoặc không có mối liên hệ nào giữa việc biết ngồi hay biết đi sớm và sự phát triển về sau.

"Thời gian thực sự không mang lại hệ quả nào. Trẻ bắt đầu biết đi sớm hóa ra chẳng thông minh hơn, cũng chẳng có khả năng hợp tác tốt hơn", một phát ngôn viên của nhóm nghiên cứu cho biết.

Giáo sư Mitch Blair từ Đại học Nhi khoa và sức khỏe trẻ em Hoàng gia Anh, cho rằng cha mẹ chỉ nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ không bắt đầu bước đi khi được 18 tháng tuổi.

 

Minh Tâm ( theo vnExpress )

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo