Tin tức - Sự kiện

Không phải cấp phép là xong việc

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) công bố cho thấy “hiện tượng” Đồng Tháp nhảy từ hạng tư (năm 2011) lên hạng nhất.
Trao đổi với phóng viên,  ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói:
 
- Mấy năm qua lãnh đạo tỉnh đã xác định doanh nghiệp (DN), người dân là đối tác, người bạn đồng hành trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tỉnh Đồng Tháp cũng như các tỉnh ĐBSCL luôn bị đánh giá là vùng giàu tiềm năng mà lại nghèo. Muốn dân giàu lên để có điều kiện học hành thì không thể bằng khẩu hiệu suông mà phải bằng chính sách điều hành cụ thể, phải tạo điều kiện tốt nhất để DN ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư vào tỉnh.
 
* Ông nói tỉnh xem DN và người dân là đối tác, điều này diễn ra trên thực tế như thế nào?
 
- Chúng tôi không chờ DN tìm tới các cơ quan công quyền để “xin” rồi mình giải quyết “cho” như những năm trước. Bây giờ phải làm ngược lại, phải tìm DN hỏi họ muốn gì, cần gì, khó khăn gì để về giải quyết cho họ càng nhanh càng tốt. Chúng tôi có cơ chế giao ban giám đốc các sở Kế hoạch - đầu tư, Tài nguyên - môi trường, Cục Thuế... trực tiếp tiếp xúc, làm việc với DN chứ không để công chức làm. Trong thực tế trình độ năng lực, hiểu biết của công chức không thể bằng lãnh đạo nên họ thường làm theo kiểu “an toàn”, gây phiền hà cho DN và người dân.
 
* Vừa rồi ông ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa quy định để cho các DN trên lĩnh vực nông nghiệp được vay vốn ngân hàng phát triển, hay đề nghị tăng giá sàn mua lúa cho nông dân, hoặc đề nghị cấp phép xuất khẩu năm năm đối với Công ty CP Vĩnh Hoàn. Đây có phải là kết quả của việc các sở ngành nắm tình hình từ DN rồi đề xuất UBND tỉnh?
 
- Có cả ý kiến của sở ngành và của cá nhân tôi nữa. Tôi trực tiếp đến DN và đồng ruộng mà nông dân đang thu hoạch lúa để hỏi thăm, nắm tình hình rồi đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết vì những việc đó vượt thẩm quyền của tỉnh.
 
DN đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp thường là vốn lớn, nhưng thời gian sinh lợi chậm hơn lĩnh vực công nghiệp. Nếu không có cơ chế khuyến khích thì làm sao DN mạnh dạn đầu tư, nhất là trong lúc kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. Tôi nghĩ rằng nếu DN được tiếp cận vốn của ngân hàng phát triển lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại là hợp lý. Còn Công ty CP Vĩnh Hoàn mới đầu tư sang lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lúa gạo rất quy mô và có cả chi nhánh ở Mỹ. Tôi đến DN và biết họ có nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn rất có lợi cho DN và cho nông dân. Trong khi đó họ chưa có tên trong danh sách 100 DN được cấp phép xuất khẩu thời hạn năm năm. Nếu giúp được họ thì cũng giúp nông dân mình chứ ai. Tôi đến gặp dân thấy họ thu hoạch lúa chất đống mà không vui vì giá dưới 4.500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất gần 4.500 đồng/kg. Tôi cũng bức xúc nên về chỉ đạo soạn công văn kiến nghị Thủ tướng liền.
 
* Thủ tướng đã trả lời những kiến nghị của ông chưa?
 
- Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đồng ý về chủ trương cho DN đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp được vay vốn ngân hàng phát triển, đồng ý và giao Bộ Công thương đưa Công ty CP Vĩnh Hoàn vào danh sách 100 DN cấp phép xuất khẩu năm năm. Còn giá lúa thì khó bởi phải theo quy luật thị trường. Do đó tỉnh chuyển sang làm cách khác giúp nông dân bán lúa giá cao hơn thị trường là đề nghị DN ký hợp đồng bao tiêu lúa của dân với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg.
 
* Một trong những tiêu chí của tỉnh Đồng Tháp được DN đánh giá cao là giải quyết thủ tục hành chính. Giải pháp của Đồng Tháp là gì, thưa ông?
 
- Chúng tôi làm đúng quy định của pháp luật, cũng vẫn là “một cửa”, cố gắng giải quyết hồ sơ nhanh nhất. Trong quá trình tiếp xúc với DN thì phải tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ họ hoàn tất thủ tục một cách nhanh nhất. Cái gì mà sở ngành có thể làm giúp DN thì phải làm chứ không bắt DN đi tới đi lui tìm kiếm, xin xỏ mất thời gian.
 
Có lẽ điều mà DN hài lòng với tỉnh Đồng Tháp là không phải chúng tôi cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi xong việc. Tỉnh ủy - UBND tỉnh giao các sở ngành, địa phương có liên quan phải theo sát để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng lao động, tìm nguồn nguyên liệu, vận chuyển ra sao... Có nghĩa là chúng tôi theo sát DN mãi mãi, đúng với quan điểm coi DN là đối tác, là bạn đồng hành.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo TTO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo