Tin tức - Sự kiện

Không thể bắt xã hội gánh lỗ cho ngành điện

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng giá bán điện 5% là không có cơ sở. Bộ Công Thương và EVN không thể bắt toàn xã hội gánh lỗ cho doanh nghiệp.

Không minh bạch về cơ cấu giá thành

 

Trao đổi với PV, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu xét theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, việc cho phép tăng giá điện 5% như vậy là không đúng.

 

Điều đó cũng cho thấy hiệu quả hoạt động của ngành điện rất thấp và việc cho tăng giá giá hồi tháng 12/2011 vẫn chưa giúp trang trải được những chi phí từ việc quản lý yếu kém của ngành điện, dẫn đến tiếp tục phải tăng giá, lấy tiền người tiêu dùng để bù lỗ cho mình.

 

“Cách làm này là vô nguyên tắc và tạo ra tiền lệ xấu trong việc vượt qua các quy định của pháp luật. Ở đây không có lý do gì để tăng giá. Hơn nữa nó chuyển “gánh nặng” không hiệu quả của ngành điện sang các doanh nghiệp khác và cả xã hội phải gánh chịu” - ông Thành nói.

 

Theo Tiến sỹ Thành, việc lấy lý do tăng giá điện để bù tăng giá bán than cho sản xuất điện theo cách tính như trên hoàn toàn không ổn.

 

Thực tế ngành than chỉ được tăng giá bán từ 10-11% trong khi tỉ suất sử dụng, huy động các nhà máy nhiệt điện từ đầu năm đến nay chỉ đạt hơn 20% tổng công suất toàn hệ thống.

 

Như vậy nếu tính ra, ngành điện chỉ được phép tăng giá khoảng 2% chứ không thể tăng giá 5% như vậy. “Tăng 5% như vậy ngành điện chắc chắn thu được siêu lợi nhuận”- ông nói.

 

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc tăng giá điện bị dư luận phản ứng gay gắt là có cơ sở, do không công khai minh bạch về cơ cấu giá thành, Bộ Công Thương và ngành điện không giải trình được về những nỗ lực giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí, tiêu hao năng lượng của EVN.

 

Nói giá điện thấp hơn giá thành là giá thành nào? “Cần có sự quản lý chặt chẽ đối với vị thế độc quyền của EVN chứ không thể để như từ trước đến nay. Nên có thái độ nghiêm túc, do giá điện ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đời sống người dân”- ông Doanh nói.

 

Cần thẩm tra bằng tư vấn độc lập

 

Cũng theo Tiến sỹ Doanh, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trấn an dư luận rằng việc tác động của tăng giá điện không lớn. Nhưng theo phương pháp cân đối liên ngành trong kinh tế, tác động của việc tăng giá điện hôm nay sẽ thể hiện rất rõ đối với giá cả trong vòng 2 - 3 tháng nữa.

 

“Trong tình hình doanh nghiệp khốn đốn như hiện nay, người dân phải chắt bóp rất nhiều thì việc tăng giá điện 5% cần xem xét dưới góc độ phê phán rất nghiêm túc. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tiết kiệm và điều này cũng cần đặt ra với ngành điện”- ông Doanh nói.

 

Theo các chuyên gia, việc tăng giá điện dường như chưa đối chiếu đúng theo Quyết định 24 của Thủ tướng về điều chỉnh giá điện do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán không có biến động trong khi cơ cấu sản lượng điện có lợi cho ngành điện và những yếu tố này có thể giúp làm giảm giá bán điện, chứ không phải là tăng.

 

Nếu làm theo quyết định của Thủ tướng thì Bộ Công Thương, với trách nhiệm là đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện, phải yêu cầu EVN tạm dừng việc tăng giá bán điện hoặc hiệu chỉnh cho lần điều chỉnh kế tiếp và Bộ được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện.

 

Tiến sỹ  Nguyễn Thị Lan, Học viện Tài chính cho rằng, từ trước đến nay, hoạt động của các khâu phát điện, truyền tải phân phối và kinh doanh điện trong mô hình ngành điện chưa được tách bạch nên không thể hạch toán riêng giá thành của từng khâu.

 

Tiến sỹ  Lan cũng cho rằng, như năm 2010 thủy điện chiếm 38% công suất hệ thống, nhiệt điện than chiếm 18% công suất, nhiệt điện tuabin khí chiếm 31% công suất, nhiệt điện dầu chiếm 6% công suất.

 

Như vậy trong điều kiện “thiên thời địa lợi”, nước về tốt, sản lượng thủy điện phát cao hơn kế hoạch phê duyệt thì giá điện sẽ có xu hướng giảm.

 

Theo TPO

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo