Tin tức - Sự kiện

Không thể để người nghiện thành nguồn tội phạm

Chiều 31.10 tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã họp bàn về công tác cai nghiện ma túy.

Học viên cai nghiện tại Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 3 Thanh niên xung phong TP.HCM - Ảnh: Quang Liêm

Cuộc họp này xuất phát từ bản kiến nghị cho phép TP.HCM khẩn cấp áp dụng giải pháp tình thế để giúp đỡ người nghiện ma túy đi cai trong lúc chờ hoàn thiện văn bản, thủ tục theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính. Kiến nghị được Đoàn ĐBQH TP.HCM gửi Chủ tịch QH và các ủy ban có liên quan của QH ngày 27.10.
 
Tuân thủ pháp luật nhưng phải hiệu quả
 
Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết tại cuộc họp này, Đoàn ĐBQH TP.HCM tiếp tục nêu ra những kiến nghị về vấn đề người nghiện. “Quan điểm của TP.HCM, theo phát biểu của Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tại diễn đàn QH, việc đưa đi cai là nhằm mục đích cứu người nghiện, giúp họ phục hồi sức khỏe, tâm lý, xa rời ma túy để có cơ hội làm lại cuộc đời”, ông Lập nói.
 
Ông Lập cho rằng: “Trên tinh thần tuân thủ đúng luật nhưng TP.HCM mong muốn phải có một cách làm hiệu quả để chấm dứt tình trạng người nghiện hút, chích ma túy công khai nơi công cộng rồi thách thức người dân, thách thức lực lượng chức năng. Để đảm bảo được an ninh, trật tự và an toàn xã hội thì không thể để người nghiện trở thành nguồn tội phạm, nguồn lôi kéo gia tăng người nghiện mới. Do đó, TP cần sớm có một địa chỉ để quản lý, giúp đỡ người nghiện”.
 
Liên quan vấn đề này, ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết: “Hiện chỉ thiếu thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định về người nghiện, tình trạng nghiện, là văn bản quan trọng để xác định thế nào là người nghiện ma túy. Phải có văn bản pháp lý này thì mới xác định rằng người đó có nghiện ma túy hay không, lúc đó mới xử lý được”. Theo ông Luyến, cuộc họp đã đề cập đến đề xuất TP.HCM, là với số lượng hàng chục ngàn người nghiện, trong đó có khoảng 80% không xác định được nơi cư trú nên cần cho phép TP.HCM được thực hiện một số giải pháp cấp bách bằng cách khi kiểm tra phát hiện dương tính với chất ma túy thì có thể đưa người đó vào trung tâm để cắt cơn, giải độc, tư vấn về tâm lý...
 
Ông Luyến cho biết trong tuần tới Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục bàn kỹ hơn, trước khi trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định.
 
“Chốt” phương án trình QH
 
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, lo lắng: “Cái chúng ta đặc biệt quan tâm là khoảng 75% người nghiện (trong tổng số khoảng 19.000 người) không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Điều này dẫn đến một hệ quả mà chúng ta phải tính, đó là nguồn tài chính hợp pháp ở đâu để họ giải quyết cơn nghiện. Chúng ta không quy chụp, quy kết tất cả người nghiện đều phạm tội nhưng khả năng rất lớn trong số 75% đó là có thể để giải quyết cơn nghiện, họ sẽ có hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo ông Minh, khoảng 1/6 người nghiện là địa phương tuyên bố không thể quản lý được.
 
Để giải quyết được vấn đề này, theo yêu cầu của Chủ tịch QH, TP đã thống nhất dự thảo phương án thực hiện để trình QH với một số nội dung chính: cho phép TP thực hiện ngay việc chuyển đổi, thành lập các trung tâm tiếp nhận xã hội để làm nhiệm vụ của tổ chức xã hội mà hiện nay chúng ta không có. Y bác sĩ của các trung tâm cai nghiện trước đây với kinh nghiệm lâu năm có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy mà không cần phải đợi tập huấn để làm nhiệm vụ cắt cơn, giải độc, phân loại mức độ nghiện... Các trung tâm tiếp nhận xã hội (chuyển đổi từ các trung tâm cai nghiện trước đây - PV) hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện mô hình trong 3 năm. Sau đó tổng kết, đánh giá để xem xét đến việc có cần thiết sửa đổi luật Xử lý vi phạm hành chính hay không...
 
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, TP có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ để tiếp nhận, giúp đỡ người nghiện cai nghiện. Nếu được thực hiện theo phương án đề xuất, mỗi ngày TP có thể giúp 1.000 người nghiện vào các trung tâm để được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, cai nghiện.
 
Vướng mắc lớn nhất
 

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, vướng mắc lớn nhất trong các vướng mắc của việc đưa người nghiện đi cai là quy định chủ tịch UBND phường, xã ra quyết định giao người nghiện không có nơi cư trú ổn định cho tổ chức xã hội hành nghề khám chữa bệnh quản lý. Điều này hoàn toàn không khả thi, vì trên địa bàn TP hiện nay chỉ có một trung tâm có chức năng điều trị đối với người nghiện. Nếu giao thì trung tâm sẽ không nhận, do về nguyên tắc, trung tâm khám, điều trị thì ký hợp đồng với chính người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chưa ban hành quy định về vấn đề kinh phí cho những trường hợp này. 

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chịu trách nhiệm về việc “vượt rào”
 
Từ nhiều năm trước, TP.Đà Nẵng đã đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố "5 không, 3 có", trong “5 không” có 1 không là không có người nghiện ma túy trong cộng đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này không phải “có nguy cơ phá sản”. Trong khi đó, theo Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định liên quan lại có nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế các địa phương. Vì thế, Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm cách vượt qua những rào cản, xây dựng dự thảo “Quy chế tạm thời về phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy”.
 

Liên quan vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ kiên quyết: “Tuy còn có ý kiến nói qua nói lại nhưng tôi đề nghị UBND TP ký ban hành ngay. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cấp trên có ý kiến thì tôi sẽ thay mặt lãnh đạo TP nhận trách nhiệm và sẽ chỉ đạo điều chỉnh”. 

Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo