Không trả nợ thay doanh nghiệp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết như trên tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2012, chiều 28-10.
Xây dựng đề án xử lý nợ xấu
Ông Nguyễn Quang Huy (vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết Công ty SJC chỉ được phép gia công cho Ngân hàng Nhà nước theo các đơn hàng của Ngân hàng Nhà nước đối với vàng miếng SJC bắt đầu từ ngày 25-5. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu SJC gia công trên cơ sở yêu cầu về khối lượng, thời gian, chủng loại đầu vào và tiến hành giám sát trực tiếp. Ngân hàng Nhà nước còn thực hiện niêm phong tất cả các khuôn của SJC khi không sản xuất. Về vàng giả SJC, đây là hành vi vi phạm pháp luật, bản thân SJC và Ngân hàng Nước đề nghị các cơ quan chức năng điều tra và xử lý theo quy định pháp luật. |
Theo ông Vũ Đức Đam, phát biểu kết luận phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá; tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, sớm hoàn thiện đề án tổng thể về xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiên quyết chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống ngân hàng; công khai, minh bạch trong hoạt động tái cơ cấu ngân hàng và trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến vàng.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ xung quanh việc Chính phủ báo cáo Quốc hội việc “nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ”, ông Vũ Đức Đam cho biết: “Về xử lý nợ xấu, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tổng thể, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa trình Chính phủ. Trong nhiều giải pháp có việc thành lập công ty mua bán nợ. Nói xử lý nợ xấu không có nghĩa là nợ xấu 100 đồng thì tất cả đều phải xử lý bằng công ty mua bán nợ. Công ty này chỉ xử lý một phần. Có một điều chắc chắn là Nhà nước sẽ không lấy ngân sách để đi bù, đi trả nợ thay cho các doanh nghiệp”.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng đề cập việc tập trung xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại, có các biện pháp xử lý nợ xấu cụ thể của từng ngân hàng đối với từng doanh nghiệp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo để khoanh nợ cho các doanh nghiệp có phương án và triển vọng kinh doanh tốt, giúp doanh nghiệp có thể vay được vốn kinh doanh.
Xung quanh vấn đề quản lý vàng, ông Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải có các phương án căn cơ đi từng bước để huy động nguồn vốn vàng trong dân vào nền kinh tế, về cơ bản quản lý lại vàng là đúng hướng. Một biểu hiện cụ thể là từ trước đến nay giá vàng bao giờ cũng liên quan đến tỉ giá, bây giờ giá vàng trong nước chênh với thế giới nhưng tỉ giá rất ổn định, tất nhiên có nhiều lý do nhưng có tác động tích cực từ chính sách vừa qua. Ông Đam cũng khẳng định: “Chúng ta độc quyền nhà nước chứ không độc quyền doanh nghiệp. Gần đây báo chí phản ánh có tình trạng dân nghe đi dập lại vàng và có hiện tượng làm vàng nhái. Điều này có một phần do thông tin của NHNN đến với công chúng chưa được cụ thể, rõ ràng, để người dân yên tâm, hiểu rằng vàng mình nắm trong tay không cần vội vàng đưa đi dập lại, vàng vẫn là vàng”.
Quản chặt doanh nghiệp nhà nước
Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và chủ trương kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước, ông Vũ Đức Đam cho biết trong khuôn khổ phiên họp lần này Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ông Đam nói: “Chúng ta có 11 tập đoàn kinh tế và 10 tổng công ty đặc biệt quan trọng. Chính phủ đã quyết định có hai tập đoàn kinh tế dừng thí điểm. Tinh thần là tập đoàn kinh tế nào mà Thủ tướng giữ lại thì sẽ quản, giữ cái nào thì quản thật chặt cái đó. Còn các tập đoàn kinh tế khác Thủ tướng không quản mà giao quyền cho các bộ trưởng, các bộ trưởng cũng phải quản chặt”.
Đối với Vinashin, ông Vũ Đức Đam cho rằng sẽ có đề án tái cơ cấu riêng. Việc cơ cấu lại tập đoàn này là nhiệm vụ rất quan trọng, Chính phủ bàn và đang xin ý kiến Bộ Chính trị.
Liên quan đến việc kiểm điểm kỷ luật lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Đam cho biết: “Chủ tịch hội đồng thành viên của EVN Đào Văn Hưng đã thôi nhiệm vụ, hoạt động của Công ty Viễn thông điện lực chuyển giao sang Viettel được khôi phục. Chính phủ đã lập hội đồng kỷ luật do bộ trưởng Bộ Nội vụ làm chủ tịch, tháng 11 hội đồng sẽ họp phiên chính thức để đưa ra kết luận, khi có kết luận thì sẽ thông báo”.
Tại cuộc họp báo, ông Đam cũng cho biết Chính phủ chủ trương siết lại các khoản chi thường xuyên sao cho tiết kiệm nhất, ví dụ đi nước ngoài dứt khoát phải chặt chẽ hơn nữa từ trung ương đến địa phương.
Hướng quản lý mới đối với doanh nghiệp nhà nước Chiều 28-10, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. |
Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Kỳ tích bệnh nhân hồi tỉnh sau 80 ngày sống thực vật
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình