Tin tức - Sự kiện

Không tự ý dùng Tamiflu để điều trị cúm

Các ca nhiễm cúm A (H1N1) đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng điều này không có gì bất thường. Virus cúm A (H1N1) từng gây đại dịch năm 2009 đang lưu hành ở nhiều quốc gia như các chủng virus cúm mùa khác.

(VnMedia) -Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 1,6 - 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa.

PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong ba tháng đầu năm 2013 đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó có ba trường hợp tử vong do cúm A (H1N1). Số mắc hội chứng cúm tương đương cùng kỳ năm 2012.

Tuy nhiên, kết quả giám sát trọng điểm cúm quốc gia, tỷ lệ virus cúm A (H1N1) trong số các mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ này chiếm 46% các trường hợp xét nghiệm dương tính với cúm, trong khi đó năm 2012 tỷ lệ này chỉ khoảng dưới 5%.

PGS. TS Trần Đắc Phu nhận định, tình hình này do đặc tính của các virus cúm, chúng luôn thay đổi nhau và có tính mùa. Năm 2012, cúm B và cúm A (H3N2) đã gây bệnh nhiều nên trong quần thể đã có nhiều người có kháng thể với tuýp này nên năm nay tuýp cúm A (H1N1) trở nên phổ biến hơn do có khối cảm nhiễm lớn hơn.

Các chuyên gia dịch tễ cho hay Tamiflu là thuốc chữa cúm H1N1, chứ không phải là thuốc đặc hiệu cho H5N1, H7N9. Nếu dùng thuốc bừa bãi thì cũng sẽ xuất hiện chủng H7N9 kháng thuốc.

Để tránh sự kháng thuốc, tuyệt đối không tự ý dùng tamiflu cho cúm thông thường mà chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ. Ngành y tế khuyến cáo người dân không tự ý uống tamiflu dự phòng khi chưa có cúm. Thực chất việc uống taniflu dự phòng là để cơ thể có sẵn thuốc kháng H7N9, nên chỉ dùng hạn chế cho người trước lúc đi vào vùng dịch làm nhiệm vụ.

Bộ Y tế khuyến nghị phải xử lý triệt để các ổ dịch bệnh trên gia cầm, hạn chế tiếp xúc với gia cầm, không chế biến sử dụng gia cầm ốm, chết và đặc biệt đề phòng trong quá trình chế biến gia cầm. Các biện pháp phòng bệnh vẫn chủ yếu là vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng để ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng và tiêm phòng vaccin. Khi có biểu hiện cúm như ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời.

Theo Bộ Y tế, vaccin phòng cúm A/H5N1 do Việt Nam sản xuất sắp được ra lò, hy vọng năm 2015 sẽ được đưa vào sử dụng. Hiện Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch với các biện pháp cụ thể để ứng phó với các tình huống khi dịch cúm A/H7N9 xảy ra và trở thành đại dịch.

Tránh nguy cơ nhiễm cúm trong cộng đồng

- Tránh xa những người có dấu hiệu nhiễm cúm
- Thường xuyên rửa tay
- Nếu hút thuốc lá, không hút lại thuốc của người khác.
- Tốt nhất là bỏ hút thuốc lá
- Duy trì lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống phù hợp, ngủ đủ thời gian, và uống nhiều nước .

 

Minh Tâm

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo