Khu vực doanh nghiệp: Bức tranh đối lập (16/01/2014)
Khép lại năm 2013, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vui, bởi trong năm qua, đã có tới 6 vạn doanh nghiệp phải đóng cửa vì khó khăn chung của nền kinh tế. Ngược lại, các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn lớn hầu như đều báo lãi, thậm chí là lãi khủng.
Điểm mặt những "đại gia” lãi khủng
Năm 2013, không ngoài dự đoán, những tập đoàn, DNNN tên tuổi như Điện lực Việt Nam, Than và Khoáng sản, Dầu khí, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông… đều có bảng báo cáo doanh thu đầy ấn tượng.
Trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, song tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013, triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2014 của ngành điện mới đây, Phó Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An vẫn cho biết, năm 2013 doanh thu từ bán điện của EVN ước đạt 172.470 tỷ đồng, tăng 19,85% so với năm 2012 và lãi từ kinh doanh điện của tập đoàn này đạt khoảng 120 tỷ đồng.
Nằm trong danh sách các "đại gia” lãi khủng trong năm 2013 không thể không nhắc đến đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong năm qua PVN đã nộp ngân sách Nhà nước vượt 46,8 nghìn tỷ đồng, tương đương với 2,22 tỷ USD so với kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu toàn tập đoàn về đích trước 50 ngày, đạt 762,86 nghìn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm.
Không cao như PVN nhưng tổng doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong năm 2013 cũng ước đạt 119.000 tỷ đồng, trong đó tổng lợi nhuận đạt 9.265 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với năm 2012.
Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng có một số lãi vô cùng ấn tượng trong năm 2013 này. Tại buổi hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 mới đây, ông Lê Minh Chuẩn - Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, năm 2013, Vinacomin lãi 3.000 tỷ đồng, lương bình quân của người lao động đạt 7,76 triệu đồng/người/tháng.
Một bức tranh đối lập
Như vậy, có thể thấy, trong khi nền kinh tế năm qua vẫn chưa hết khó khăn, đang ở giai đoạn hồi phục, thì việc báo lãi, thậm chí là lãi lớn của các Tập đoàn, tổng công ty nói trên khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Một chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận định, giá như tất cả các DN, kể cả DNNN và DN tư nhân đều có bảng kết quả kinh doanh ấn tượng như trên, thì nền kinh tế đã không rơi vào tình cảnh "chật vật” như hiện nay, và năm 2013 thực sự đã là một năm đáng được coi là "thành công mỹ mãn”.
Tuy nhiên, ngược lại với bức tranh kinh doanh của khu vực DNNN, là một bức tranh với nhiều màu xám của khu vực DN tư nhân khi mà trong năm qua, có tới hơn 6 vạn DN nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động do không còn sức để vực dậy. Sự đối lập giữa hai khu vực kinh tế này có lẽ đã khiến những con số báo lãi "khủng” kia của các tập đoàn "đại gia” không hoàn toàn là thông điệp vui.
Và càng thêm phần kém vui bởi dư luận vẫn biết rằng, những thành quả kinh doanh của EVN hay PVN, VNPT… một phần lại do nhận được những ưu ái từ "bầu sữa” mẹ - Nhà nước. Trong khi đó, cộng đồng DN vừa và nhỏ hầu như phải tự chống chọi với mọi khó khăn của thương trường.
Dù rằng, trong thời gian qua, cũng đã có nhiều chính sách được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN như giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập DN… song trên thực tế, so với những thứ mà khu vực DNNN được "mẹ” dành cho, vẫn không "thấm vào đâu”.
Có lẽ, chính sự chênh lệch trong cách đối xử này đã tạo nên những hệ lụy của ngày hôm nay, đó là một nền kinh tế với khu vực DN tư nhân ngày càng teo tóp, còn khu vực DNNN thì vẫn phát triển với những kết quả kinh doanh ấn tượng hằng năm.
Một số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, kể từ khi có Luật DN (năm 2000), đến nay, cả nước đã có trên 694.000 DN được thành lập. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, chỉ còn hơn 300.000 DN đang hoạt động và 2/3 số đó không lớn lên nổi, thậm chí còn nhỏ dần về quy mô. 44,7% DN của số này giữ nguyên quy mô nhỏ trong suốt 10 năm, 18,7% tụt xuống thành DN siêu nhỏ.
Và có lẽ, con số hơn 6 vạn DN công bố giải thể trong năm 2013 vừa qua chính là minh chứng rõ nhất cho thấy sự bấp bênh của những số phận DN thuộc khu vực tư nhân.
Một lần nữa, yếu tố bình đẳng, công bằng trong đối xử giữa hai khu vực DN lại được đặt ra. Đây cũng thực sự là mong muốn của nhiều DN thuộc cộng đồng DN vừa và nhỏ, và có lẽ cũng là mong muốn chung của nhiều nhà làm quản lý nếu không muốn nền kinh tế cứ phải chứng kiến sự rơi rụng, teo tóp dần của khu vực DN. Trong khi đóng góp của khu vực DN này lên tới 40% GDP và 30% tổng thu ngân sách hằng năm.
Đại Đoàn Kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Cột tin quảng cáo