Quốc tế

Khủng hoảng châu Âu: Nỗi ám ảnh của Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất của khủng hoảng tại châu Âu hiện nay nếu không, các nền kinh tế này sẽ bị chôn vùi trong bão… Lúc này, nỗi ám ảnh của 1998 và 2008 lại ám ảnh khu vực này.

Kinh tế khu vực Đông Nam Á đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 15 năm qua. Đầu tiên đó là cơn bão tài chính -tiền tệ 1997-1998, rồi 1 thập kỷ sau, khi khu vực này vừa lấy lại được cảm hứng tăng trưởng thì khủng hoảng tài chính toàn cầu một lần nữa lại ập đến.

 

Và hiện nay, khu vực này đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Cuộc khủng hoảng đã và đang tàn phá những nỗ lực đi lên của nền kinh tế khu vực của những nước đang phát triển này.

 

Ba kịch bản cho Đông Nam Á

 

Vào thời kỳ 2008 - 2009, khi cả thế giới lao đao vì khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ, Đông Nam Á đã vượt qua một cách ngoạn mục và là một trong những động lực của tăng trưởng toàn cầu. Nhưng khủng hoảng nợ công châu Âu đang phình to với 3 kịch bản được dự đoán đều không hề sáng sủa.

 

Một là, châu Âu sẽ giữ được Hy Lạp ở lại trong khối, hai là, Hy Lạp sẽ ra đi trong trật tự và ba là nước này sẽ rời khỏi khối trong sự hỗn loạn và hiệu ứng domino sẽ lan sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước khác.

 

Tới nay, nhiều người vẫn tin rằng các nền kinh tế Đông Nam Á có thể vượt qua được cơn địa chấn này nhưng trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra, khu vực Đông Nam Á sẽ bị tác động mạnh nhất do sự phụ thuộc tương đối lớn của các nền kinh tế khu vực vào châu Âu.

 

Bởi EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ trong năm 2011 đạt 206 tỉ euro (tương đương 350 tỉ USD) và đứng đầu về đầu tư ở khu vực ASEAN với tổng vốn lên đến 230 tỉ USD.

 

Do vậy, khi xảy ra khủng hoảng, trao đổi thương mại trực tiếp và gián tiếp với châu Âu và Mỹ sẽ sụt giảm nhanh chóng. Những thành phẩm và hàng hóa xuất khẩu sang thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng sẽ bị cắt giảm, trao đổi thương mại với đối tác lớn nhất của ASEAN này sẽ bị chững lại và mục tiêu đạt 500 tỷ USD giá trị trao đổi thương mại vào năm 2015 giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không thể thực hiện được.

 

Sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa giảm và thu nhập từ xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ bị thiệt hại.

 

Thực vậy, kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng GDP của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đã có dấu hiệu chậm lại trong quý đầu năm 2012 khi động lực của tăng trưởng nhờ các gói kích thích kinh tế được tung ra vào các năm 2009, 2010 đã hết.

 

Tuy nhiên, riêng Thái Lan và Philippinesvẫn giữ được đà tăng trưởng tốt với những lý do đặc biệt, đó là nhu cầu tái thiết, phục hồi sau trận lụt lịch sử hồi năm 2010 ở Thái Lan. Còn với Philippineslà nhờ tăng chi tiêu chính phủ mà 3 tháng đầu 2012, kinh tế nước này đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, đạt 6,4%.

 

Ngoài lĩnh vực xuất khẩu là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các dòng chảy tài chính cũng sẽ bị ngưng đọng. Với thực tế rằng khu vực Đông Nam Á phụ thuộc khá lớn vào dòng đầu tư nước ngoài để tăng trưởng, nên việc các nền kinh tế phát triển trên thế giới áp dụng chính sách khắc khổ sẽ đẩy khu vực vào tình trạng khan hiếm về vốn đầu tư.

 

Tuy nhiên, cho tới nay phần lớn các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn đứng khá vững trước những biến động thất thường của dòng vốn tư bản nhờ thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa khá thận trọng trong suốt 1 thập kỷ trở lại đây.

 

Dẫu vậy, sự ra vào thất thường của những dòng đầu tư đã gây ra những phức tạp nhất định cho công tác quản lý vĩ mô, áp lực cho tỷ giá hối đoái, lãi suất và lạm phát. Trong đó, Indonesia là nước phải chịu nhiều hậu quả nhất từ sự thất thường này.

 

Lý do chính là do tỷ lệ nắm giữ nguồn vốn cổ phần trên thị trường chứng khoán và các công cụ vay nợ ngắn hạn của các nhà đầu tư nước ngoài ở Indonesia khá lớn. Khi có dấu hiệu của sự bất ổn, họ sẵn sàng bán đi các tài sản của mình.

 

Do đồng nội tệ có xu hướng mất giá trong thời gian gần đây, chính phủ Indonesia đã có kế hoạch tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường để đáp ứng nhu cầu mua chứng khoán nhà nước trên thị trường thứ cấp và áp dụng một số công cụ giao dịch ngoại tệ khác nhằm ổn định tỷ giá hối đoái của đồng rupiah.

 

Tính đến tháng 4/2012, các khoản nợ tư nhân nước ngoài từ châu Âu của Indonesia là 21,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu từ Hà Lan (57,3%), tiếp theo là Anh (10,7%), Đức (6,4%) và Pháp (2,5%). Tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu ngày một gia tăng khiến giá trị đồng nội tệ rupia cũng như các chỉ số chứng khoán tại thị trường châu Á, trong đó có Indonesia, đã bị giảm trong vài tháng qua.

 

Hành động như thế nào?

 

Dù kịch bản nào xảy ra với châu Âu, Đông Nam Á cần trang bị khả năng tiếp nhận những cú sốc bằng cách tăng năng lực cạnh tranh quốc tế và thiết lập ngay từ bây giờ một cơ chế chống khủng hoảng.

 

Khu vực Đông Nam Á có thể chống đỡ với cú sốc đó bằng cách áp dụng một chính sách tài khóa đi ngược quy luật. Tuy nhiên, điều này cần phải căn cứ vào mức nợ công và tỷ lệ thâm hụt ngân sách của từng quốc gia.

 

Chẳng hạn như Indonesia là quốc gia có thể áp dụng chính sách này nhờ mức nợ công thấp, thâm hụt ngân sách nhỏ và nguồn dự trữ ngoại hối tương đối dồi dào. Tính đến ngày 31/5/2012, dự trữ ngoại hối của Indonesia là 111,5 tỷ USD, đủ để trả các khoản nợchính phủ và giá trị kim ngạch nhập khẩu trong 6,2 tháng.

 

Nhưng với trường hợp của Malaisia lại khác và khó có thể lựa chọn hướng đi này do đã chi tiêu khá nhiều để chuẩn bị cho các đợt bầu cử địa phương vào cuối tháng 6.2012.

 

Các quốc gia Đông Nam Á cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể cải thiện được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một trong số đó là chấn chỉnh việc chi tiêu công. Các nước cần phải giảm việc trợ giá nhiên liệu, thực hành tiết kiệm, cắt giảm đầu tư không hiệu quả nhằm giảm thâm hụt trong ngắn hạn.

 

Riêng Thái Lan cần ngăn chặn nạn chảy máu quỹ đầu tư công thông qua chính sách lúa gạo mới mà chính phủ của TTg Yingluck đang thực hiện. ASEAN cũng cần xây dựng cơ chế hợp tác với các cơ quan tài chính quốc tế và của các nền kinh tế lớn trên thế giới, như Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED.

 

Bởi cơ chế này đã từng phát huy tác dụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á trước đó và cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn gần đây.

 

Tóm lại, đây chính là lúc các nền kinh tế ASEAN có thể tự tin khi đã sẵn sàng đón nhận điều tồi tệ nhất, để kiểm tra lại những nền tảng của nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hướng phát triển vào chiều sâu để hướng tới Cộng đồng kinh tế cho cả khu vực vào 2015.

 
 
 
Theo VEF
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo