Thị trường

Khung quản trị công nghiệp khai thác khu vực ASEAN

Khai thác dầu, khí và khoáng sản được đánh giá là một trong những lĩnh vực trọng điểm giúp các quốc gia tiến gần hơn đến những mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế Asean mà sẽ được chính thức hình thành vào năm 2015. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là công nghiệp khai thác nên được quản lý như thế nào để có thể đóng góp hiệu quả hơn cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia và cộng chung Asean.

Ông Phạm Bích San phát biểu trong hội thảo

Sáng nay, buổi hội thảo giới thiệu khung quản trị công nghiệp khai thác khu vực ASEAN đã diễn ra tại khách sạn Công Đoàn.

Công nghiệp khai thác có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia ASEAN trong thời gian qua. Tiến trình hợp tác ASEAN có thể tạo ra những cơ hội và cơ chế giúp các quốc gia thành viên giải quyết những thách thức để quản trị tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, khung quản trị khai thác khu vực ASEAN đã được xây dựng, như một sáng kiến góp phần hỗ trợ xây dựng khu vực ASEAN thêm thịnh vượng, cạnh tranh và công bằng.

Mục tiêu cụ thể của khung quản trị gồm: Cung cấp các nguyên tắc và khung tổng thể nhằm hài hòa các chính sách quản lý công nghiệp khai thác của các thành viên ASEAN và đảm bảo việc áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt; cung cấp công cụ hỗ trợ quản lý công nghiệp khai thác khu vực ASEAN nhằm đảm bảo sự tương đồng về mức độ cạnh tranh giữa các thành viên ASEAN; đảm bảo sự hài hòa và chuẩn hóa sẽ được cân nhắc trong từng giai đoạn khác nhau của quốc gia mỗi thành viên ASEAN; cung cấp hướng dẫn để xây dựng công cụ giám sát lĩnh vực khai thác tài nguyên ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN.

Ông Phạm Bích San, Phó tổng thư kí Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong khai thác tài nguyên. Hiểu biết của xã hội về khung quản trị lại chưa cao, tổ chức xã hội vẫn trong giai đoạn hình thành nên còn tồn tại nhiều loại hình khác nhau, mục tiêu khác nhau, chưa có được định hướng cần thiết. Hơn nữa, trong qua trình hội nhập và tiếp thu văn hóa nước ngoài, có 2 quan điểm trái ngược nhau là giữ lại trọn vẹn thành tựu nước ngoài để áp dụng tại Việt Nam, hay là sẽ thay đổi căn bản cho phù hợp với tình hình chung của đất nước. Chính vì sự mâu thuẫn đó đã khiến Việt Nam phát triển thành “không giống ai”.

Vì thế, Việt Nam càng cần phải thực hiện theo khung quản trị, để chuẩn hóa việc quản trị công nghiệp khai thác giống như các nước bạn trong khu vực.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo