Kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu: Còn buông lỏng!
Nhập siêu liên tục tăng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 83,75 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, thị trường châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 79,3%.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN hơn 18%, các nước Đông Á 56,8%, riêng Trung Quốc chiếm hơn 24,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Nhập khẩu từ châu Á và châu Mỹ tăng tương ứng 8,7% và 11,9%, các thị trường còn lại nhập khẩu đều giảm.
Khi Hiệp định mậu dịch song phương, đa phương có hiệu lực, hàng hóa các nước tràn vào Việt Nam là chuyện bình thường. Điều đáng lo ngại là nước ta chưa có đủ hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hàng kém chất lượng, vấn đề nhập khẩu hàng hóa thượng vàng hạ cám đang diễn ra ồ ạt, rất đáng báo động và rất cần sự kiểm soát.
Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế |
Đến nay, ngoài các cam kết WTO, Việt Nam còn thực hiện các cam kết khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tham gia các hiệp định song phương với 7 đối tác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand và mới đây là Chile.
Hiện nay, Việt Nam đã đạt được Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản, đang đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kết thúc vòng đàm phán đầu tiên của FTA với Liên minh châu Âu (EU).
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định, gia nhập WTO Việt Nam gặp sức ép lớn về thể chế, dịch vụ, còn tham gia các hiệp định thương mại FTA song phương và khu vực lại phải đối mặt với sức ép đến từ thương mại hàng hóa do mức độ cắt giảm thuế nhập khẩu mạnh.
Cụ thể, đến năm 2015, khoảng 90% số dòng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam giảm còn 0%, 10% còn lại cũng sẽ tiến về mức này vào năm 2018.
Ở chiều ngược lại, đã có khoảng 90% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc được hưởng mức thuế 0% vào năm 2010. Đồng thời, từ năm 2009, 95% dòng thuế và 94% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Nhật Bản cũng không phải chịu thuế.
Tuy nhiên, trong khi hàng hóa các nước vào Việt Nam rất dễ dàng thì hàng Việt Nam xuất đi các nước luôn gặp nhiều rào cản từ hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm tra khắt khe. Hơn nữa, sau khi gia nhập WTO, nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh hơn giai đoạn trước rất nhiều.
Giai đoạn 2007-2010, nhập khẩu tăng khoảng 1,9 lần, từ 44,9 tỷ USD lên 84 tỷ USD, làm nhập siêu có xu hướng tăng liên tục. Năm 2006, nhập siêu chỉ đạt gần 5,1 tỷ USD, bước sang năm đầu tiên chính thức trở thành thành viên của WTO, mức nhập siêu lên tới 14,2 tỷ USD và năm 2008 lên 18 tỷ USD.
Với ASEAN, tổng trị giá hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này trong 6 tháng hơn 10,27 tỷ USD (so với xuất khẩu hơn 7,86 tỷ USD), chiếm 20,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, tức nhập siêu 2,41 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với mức nhập siêu chung cả nước chỉ có 158 triệu USD.
Kiểm soát lỏng lẻo
Với tình trạng nhập siêu ngày càng tăng, cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp hiện rất đau đầu trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Thời gian gần đây, thị trường liên tục đón nhận những thông tin về hàng nhập khẩu kém chất lượng.
Cụ thể, mới đây cơ quan chức năng đã công bố mẫu lựu, nho, mận nhập khẩu từ Trung Quốc đang bày bán trên cả nước có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép ở mức rất cao, có nguy cơ gây ra các bệnh tim, gan, thận, thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh.
Trong khi ở miền Bắc, gà nhập lậu từ Trung Quốc đang lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước, thì tại TP.Hồ Chí Minh, gà Hàn Quốc thải loại sau khi đẻ - loại gà không còn giá trị dinh dưỡng, chỉ dùng chế biến thức ăn gia súc - được nhập theo con đường chính ngạch để cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị.
Trong các cuộc họp khẩn của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, hầu như tháng nào cũng đều có báo cáo kết quả các mẫu hoa quả tươi hay thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại.
Người tiêu dùng luôn lo lắng về chất lượng hoa quả nhập khẩu.
Ngay cả một số sản phẩm của 2 nhãn hiệu sữa Nhật Bản là Wakodo và Morinaga có hàm lượng iốt thấp dưới mức quy định, bị Hồng Kông thu hồi, nay lại được bày bán tràn lan tại Việt Nam. Theo tiết lộ của một số chủ cửa hàng sữa tại TP.Hồ Chí Minh, sản phẩm này không nhập khẩu theo đường chính ngạch mà được các tiếp viên hàng không mang về. Điều này cho thấy việc kiểm soát hàng nhập khẩu hiện nay vô cùng lỏng lẻo, từ con đường vận chuyển đến kiểm soát chất lượng.
Theo Nghị định 163/2004/NĐ-CP của Chính phủ, trách nhiệm kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu thuộc về Bộ Y tế; công tác kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
Đây là cơ sở để kiểm soát chất lượng hàng nông sản, thủy hải sản, thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng từ năm 2007, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 23/2007/QĐ-BYT quy định trình tự thủ tục kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, trong đó có điều khoản “không kiểm tra nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm thực vật có nguồn gốc động thực vật phải kiểm dịch”.
Điều này đồng nghĩa với việc Bộ Y tế loại nhóm thực phẩm tươi sống ra khỏi khâu kiểm tra. Cũng theo Bộ Y tế, xét theo Nghị định 79/NĐ-CP ban hành năm 2008, Bộ Y tế chỉ có trách nhiệm quản lý nhà nước về thực phẩm có nguồn gốc sản xuất trong nước và nhập khẩu đã thành thực phẩm, bao gồm các loại đồ hộp, rau quả, trái cây... đã chế biến, có thể ăn ngay, các nhóm còn lại thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
Ngoài việc đùn đẩy trách nhiệm, một bất cập nữa trong kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu là lực lượng hải quan cửa khẩu còn hạn chế cả về con người và phương tiện kiểm tra.
Trong khi đó, số lượng mẫu cần kiểm định lại quá lớn, đã dẫn đến tình trạng các cơ sở kiểm định tại khu vực biên giới chỉ kiểm tra qua loa rồi chuyển kết quả về cho các phòng kiểm định nội địa. Những hạn chế này đã khiến chất lượng hàng hóa nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Người tiêu dùng nên tự bảo vệ
Theo nhận định của các chuyên gia, vì lợi nhuận trước mắt, không ít cá nhân, tổ chức đã tiến hành nhập khẩu các loại hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm mất an toàn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Mặc dù Nhà nước đã sử dụng nhiều biện pháp, song tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp.
Rau quả vẫn còn dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật cao vượt mức cho phép, hàng tiêu dùng chứa các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe…
Nhận định về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng dù đã có rất nhiều vụ hàng nhập khẩu kém chất lượng bị phát hiện nhưng kết quả xử lý vi phạm chưa quyết liệt và nghiêm minh nên chưa đủ sức răn đe.
Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng Luật An toàn thực phẩm quy định việc kiểm soát hàng thực phẩm nhập khẩu, giao về một đầu mối là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kiểm tra và xử lý.
Trong thời gian chờ đợi các Bộ, ngành tìm giải pháp kiềm chế nhập siêu cũng như đưa ra các biện pháp kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu từ các nước, các tổ chức cần tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng hiểu và không tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển hàng Việt để giành lại thị phần.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế |
Đồng thời, một số quy định về kiểm định chất lượng hàng nhập khẩu cũng được ban hành, đang kỳ vọng sẽ hạn chế sự lập lờ nguồn gốc, chất lượng hàng ngoại tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, để thực hiện triệt để việc đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu, trước hết các doanh nghiệp nhập khẩu phải tự ý thức, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước đặt ra để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.
Cần có lực lượng kiểm định, phòng kiểm nghiệm đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng để quản lý hàng hóa nhập khẩu ngay từ cửa khẩu. Ngoài ra, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng khi mua hàng nhập khẩu nên tập thói quen yêu cầu người bán đưa ra giấy chứng nhận xuất xứ, để giảm thiểu những rủi ro khi mua hàng.
Trần Nguyên (Theo Sài Gòn tiếp thị)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh