Thị trường

Kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm

6 tháng cuối năm, nhiều yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón có thể tăng giá.

(VOV) Sáng 11/7, tại Hà Nội, Viện kinh tế tài chính, Học viện Tài chính tổ chức hội thảo “Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013”.

 
Các chuyên gia kinh tế dự báo, 6 tháng cuối năm, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và dự báo nhiều yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón có thể tăng giá.
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay tăng 2,4% so với tháng 12/2012, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Nguyên nhân được chỉ ra là do Chính phủ cùng các Bộ, ngành tích cực triển khai nhất quán các giải pháp trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Thứ 2 là khi lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, chủ yếu do giá lương thực và giá nhiên liệu thế giới giảm giúp giảm giá hàng hóa qua kênh xuất nhập khẩu.
 
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng thấp là tín hiệu vui đối với người tiêu dùng và toàn xã hội, thể hiện những chuyển biến rõ rệt qua điều hành kinh tế vĩ mô là kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
 
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công trong ngắn hạn bởi vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro do sức mua thị trường rất yếu, mức tăng tín dụng chậm. Sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, nợ xấu cao, tái cơ cấu nền kinh tế tiến hành chậm, năng suất, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp chưa được cải thiện.
 
Để kiểm soát lạm phát ở mức 8% theo nghị quyết của Quốc hội, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, trọng nhất lúc này là phải tiết kiệm chi nhằm giảm bội chi ngân sách.
 
“Các giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu giữ mức bội chi ngân sách. Nếu bây giờ ngân sách thu chi khó khăn, trong điều kiện tiền không có mà chi theo các mục tiêu đề ra, nhích theo các kênh để phát tiền ra như trái phiếu…mà không giữ được 4,8% thì lại có vấn đề về vòng xoáy lạm phát”, Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết./.
 
 
Hải Yến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo