Thị trường

Kiểm soát tốt hệ thống ngân hàng để lưu thông dòng vốn

(DNHN) Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, hệ thống ngân hàng hiện nay, đặc biệt là các ngân hàng thương mại đang rất yếu kém, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Đã có những giải pháp của Chính phủ cùng nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhưng lối ra vẫn chưa rõ nét.

Thực trạng này còn kéo dài bao lâu và hệ lụy của các chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế nước nhà trong năm 2013 và những năm tiếp theo? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong 12 tháng qua, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tỉ giá ? Là một chuyên gia kinh tế, theo ông chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013 có kịp thời và có tập trung vào những vấn đề nóng bỏng hiện nay ?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam đối mặt với những tồn tại tích tụ từ nhiều năm trước. Năm 2012 là năm mà hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, dưới sự điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, chúng ta cũng có được 3 thành công cơ bản: Đưa ra những giải pháp hữu hiệu góp phần kiềm chế hiệu quả vấn đề lạm phát (6,8%); Trong khó khăn nhưng vẫn đảm bảo sức mua của đồng tiền, hay nói cách khác là ổn định được đồng tiền thông qua tỉ giá, lãi suất cho vay, lãi suất huy động, dự trữ bắt buộc…; Bắt đầu xây dựng được lộ trình, giải pháp giải quyết những tồn tại trong ngành ngân hàng từ trước tới nay. Cụ thể, chúng ta đã tiến hành tái cơ cấu lại những ngân hàng yếu kém. Việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng đã gắn liền với xử lý nợ xấu, phá băng thị trường bất động sản. Những chuyển biến tích cực này đã góp phần quan trọng trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội…

 

 

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet



Bên cạnh những thành công cơ bản đó vẫn còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết triệt để như: Nợ xấu vẫn còn ở mức cao gây tắc nghẽn, không lưu thông dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp dẫn đến kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh; Lạm phát vẫn còn cao, lãi suất tiền vay, tiền gửi cao khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV không có khả năng tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng thì thừa vốn trong khi doanh nghiệp không có vốn cho sản xuất, kinh doanh. Khi dòng vốn không thể lưu thông thì nợ xấu sẽ không giảm mà còn tăng lên; Nhiều ngân hàng yếu kém sau tái cơ cấu vẫn chưa có định hướng phát triển rõ ràng, chưa có nhiều thay đổi tích cực. Việc nâng cấp ở một số ngân hàng vẫn chưa triệt để, còn nhiều tồn tại, yếu kém (trình độ quản lý yếu, công nghệ lạc hậu, khả năng thanh khoản thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao…).

Chính sách của Chính phủ trong năm 2013 đã nêu rõ mục tiêu: Kiềm chế lạm phát (giảm lạm phát xuống 6%), ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 5,5%), giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, phá băng thị trường bất động sản thông qua chính sách tín dụng, nới lỏng tín dụng với một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, tăng cường năng lực kiểm soát, kiểm tra, quản lý.
Theo tôi, lần này chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đồng bộ hơn và đã tập trung vào những vướng mắc nóng bỏng nhất là nợ xấu và thị trường bất động sản. Ngoài ra, khả năng phối hợp giữa các ban, ngành chức năng cũng nhịp nhàng hơn. Chính sách cũng được đưa ra sớm hơn, kịp thời hơn.

Khi chủ trương tái cơ cấu được công bố, nhiều người nghĩ ngay tới việc phải xử lý các ngân hàng nhỏ, đặc biệt là các ngân hàng chuyển đổi từ nông thôn ra thành thị. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Đúng là các ngân hàng yếu kém, ngân hàng nhỏ, ngân hàng có khả năng thanh khoản thấp phần lớn là những ngân hàng chuyển đổi từ nông thôn ra thành thị. Các ngân hàng này vốn ít, trình độ quản lý kém, đội ngũ nhân sự yếu, công nghệ lạc hâu… là một trong những nguyên do khiến nợ xấu, nợ quá hạn tăng cao, ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Vì vậy Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý những ngân hàng yếu kém là điều tất yếu. Hiện nay chúng ta đã có lộ trình xử lý và đã xử lý được ½ số ngân hàng được liệt vào dạng yếu kém.

Theo ông, các biện pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã hợp lý chưa và những kết quả có thể đạt được trong năm 2013 ?


TS. Cao Sĩ Kiêm:
Các biện pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng về cơ bản là hợp lý nhưng cần có những điều kiện rõ ràng hơn, minh bạch hơn, công khai hơn và phải sát với thực tế. Chúng ta đã xây dựng được một đề án tái cấu trúc và bước đầu có lộ trình, nội dung thực hiện, đồng thời đã được Chính phủ thông qua. Theo đó, ngoài việc cơ cấu, thanh lọc một số ngân hàng yếu kém, chúng ta đã bắt đầu kiểm tra, kiểm soát hệ thống ngân hàng để nắm bắt những hạn chế, tồn tại, từ đó có những điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế. Trong năm 2013, khi các biện pháp tái cấu trúc tiếp tục được thực hiện, chúng ta sẽ kiểm soát hệ thống ngân hàng tốt hơn, nợ xấu giảm và dòng vốn hứa hẹn sẽ được lưu thông. Tuy nhiên để nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới thì chúng ta phải tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp trong đề án tái cơ cấu từ nay đến năm 2015 và xa hơn là 2020.

Ông dự báo thế nào về tương lai của ngành ngân hàng khi nền kinh tế được tái cấu trúc toàn diện ?

TS. Cao Sĩ Kiêm: Nền kinh tế được tái cấu trúc thông qua tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu các tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước, phân bổ lại nguồn vốn. Năm 2013, nếu việc sắp xếp hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp được phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau thì hoạt động của ngành ngân hàng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, ngân hàng ổn định hoạt động, đồng thời tạo nên sức mạnh, sức cạnh tranh cho toàn hệ thống, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.

 


Lê Quang


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo