Kiểm soát viên không lưu: Chất lượng kém vì “toàn con cháu”
Trong khi ngành hàng không đang được phát triển mạnh thì trình độ và năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ kiểm soát viên không lưu (KSVKL) lại chưa theo kịp, bởi công tác đào tạo nhân lực không được quan tâm. Nếu không kịp thời nâng cao năng lực điều hành bay của KSVKL thì những sự cố về mất an toàn bay là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tay nghề trung bình, yếu chiếm 40%
Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), ông Đinh Việt Thắng đánh giá, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty về cơ bản vẫn giữ mô hình tổ chức của những năm cuối thập niên 1990, chưa có sự thay đổi để tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới. Đáng chú ý còn nhiều bất cập về nguồn nhân lực bao gồm cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính tổ chức kỷ luật và chuyên nghiệp. Đặc biệt khối không lưu có tỷ lệ tay nghề trung bình và yếu chiếm khoảng 40%. Nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp của một bộ phận KSVKL còn hạn chế, chưa thấy hết được tầm quan trọng, sự sống còn của đơn vị trong việc đảm bảo an toàn dẫn đến chủ quan, phân tán khi làm nhiệm vụ.
“VATM thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ cao ở các lĩnh vực trọng yếu như tổ chức vùng trời, phân tích đánh giá và vạch ra kế hoạch phát triển hệ thống. Đội ngũ nhân viên ở một số cơ quan có sức ỳ lớn. Trình độ năng lực, kinh nghiệm của KSVKL, còn hạn chế chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng hoạt động bay và tốc độ thay đổi công nghệ, kỹ thuật. Nguyên nhân do một thời gian dài chi phí đầu tư cho đào tạo, huấn luyện nhân lực chưa được bố trí hợp lý, tỷ lệ dưới 1% chi phí đầu tư chung, trong khi đó, đối với ngành quản lý bay thì tỷ lệ đầu tư cho con người phải ở mức 10-15%”, ông Đinh Việt Thắng cho hay.
So sánh về năng lực với KSVKL quốc tế, lãnh đạo VATM nhìn nhận, trong giờ cao điểm có thể điều hành từ 50-55 chuyến bay, trong khi, KSVKL của Việt Nam chỉ điều hành tối đa được 30-35 chuyến bay. Một nguyên nhân nữa dẫn đến đội ngũ nhân viên điều hành bay hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu là do chất lượng tuyển dụng đầu vào thấp. Bởi vậy, dưới áp lực, mật độ và lưu lượng hoạt động bay gia tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua đã xảy ra các sự việc làm suy giảm chất lượng dịch vụ bay. Mặc dù trong khoảng 20 năm qua, ngành hàng không không xảy ra các vụ tai nạn có thiệt hại về người, nhưng các sự cố uy hiếp an toàn xảy ra ở tất cả các khâu, trong đó nguyên nhân chủ quan do yếu tố con người chiếm tỷ trọng lớn.
Phải nâng cao chất lượng cả lãnh đạo lẫn nhân viên
Tại buổi làm việc về nâng cao năng lực, an toàn chất lượng và dịch vụ bảo đảm an toàn bay mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nêu thực trạng: “Sở dĩ nguồn nhân lực của Hàng không Việt Nam chất lượng kém là do các tổng công ty quản lý cảng, quản lý bay… nhận vào toàn con cháu nên không nói được. Thi tuyển phải công khai, minh bạch”.”
Ông Đinh Việt Thắng cho hay, VATM đặt mục tiêu tới năm 2016 không còn tồn tại tình trạng KSVKL tiếng Anh chưa đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra sẽ chuẩn hóa nội dung thoại của KSVKL, không còn tình trạng KSVKL cãi nhau trên sóng hay bỏ chốt trực… Trong năm 2015 sẽ điều chỉnh Quy chế tuyển dụng lao động, gắn trách nhiệm đơn vị sử dụng lao động với chất lượng tuyển dụng. Đối với không lưu, chỉ tuyển dụng các lao động tốt nghiệp chuyên ngành đạt khá, giỏi, có trình độ tiếng Anh tương đương mức 4 theo tiêu chuẩn Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, Tổng công ty phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục năng lực quản lý điều hành bay và tác phong đạo đức nghề nghiệp. “Giải pháp số một là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả lãnh đạo, nhân viên không lưu. Nâng chất lượng giảm số lượng, năm 2016 phải đảm bảo 100% KSVKL đạt tiếng Anh tiêu chuẩn nếu không sẽ không cho điều hành bay. Chỗ khác có thể có yếu kém chứ kiểm soát viên dẫn đường mà sai thì không thể sửa sai được”.
Theo An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo