Mặc dù 26/27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được kiểm toán kinh doanh có lãi, nhưng không ít căn bệnh trầm kha dường như vẫn chưa hề thuyên giảm, theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2013 vừa được gửi đến Quốc hội.
Trong danh sách các “ông lớn” được kiểm toán có Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)…
Các số liệu tại báo cáo đều tính đến thời điểm 31/12/2012.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại thời điểm nói trên 27 doanh nghiệp được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn là 1.609.959 tỷ đồng. Trong đó: nợ phải thu 177.517 tỷ đồng, chiếm 11,03% tổng tài sản. Hàng tồn kho 108.636 tỷ đồng, chiếm 6,75% tổng tài sản. Nợ phải trả 912.865 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng nguồn vốn và vốn chủ sở hữu 645.477,9 tỷ đồng.
Tổng doanh thu của 27 tập đoàn, tổng công ty là 907.162 tỷ đồng, tổng chi phí 809.598 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 97.564 tỷ đồng, các khoản thuế và còn phải nộp ngân sách nhà nước 29.610 tỷ đồng, báo cáo cho biết.
Qua kiểm toán, Kiếm toán Nhà nước đã điều chỉnh giảm tổng tài sản, nguồn vốn 423 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 4.070 tỷ đồng; tổng chi phí 3.154 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 916 tỷ đồng và tăng số còn phải nộp ngân sách nhà nước 2.026,8 tỷ đồng.
Những cái tên xuất hiện trong phần phải tăng số nộp ngân sách này là Petro Vietnam với 863 tỷ đồng, VNPT với 443,8 tỷ đồng; TKV 154 tỷ đồng; Vietnam Airlines 82,4 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài gòn 84,3 tỷ đồng…
Đáng chú ý, việc quản lý nợ chưa chặt chẽ đã từng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại báo cáo kết quả kiểm toán trình Quốc hội tháng 5/2013 nay vẫn được nhắc lại.
Điều này đã dẫn đến nợ quá hạn, khó đòi lớn. Hàng loạt cái tên quen thuộc được điểm ở mục nợ quá hạn: Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc Petro Vietnam 9.650 tỷ đồng, Công ty mẹ 443,8 tỷ đồng. Công ty mẹ VNPT 2.314,2 tỷ đồng; Cienco 1 là 558,6 tỷ đồng; Lilama 482,4 tỷ đồng; Công ty mẹ TKV 325 tỷ đồng; Công ty mẹ Vinatex 101,49 tỷ đồng; Công ty mẹ Petro Vietnam 100,8 tỷ đồng; Vietnam Airlines 181,6 tỷ đồng; Cienco5 là 188,3 tỷ đồng…
Báo cáo kiểm toán cũng cho biết, nợ khó đòi của Petro Vietnam: Tổng công ty Đạm Phú Mỹ 119,29 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn thuộc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) 35,41 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dầu khí Mê Kông thuộc PV Oil 22,6 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 317,88 tỷ đồng; TKV 269,5 tỷ đồng; Licogi 201,4 tỷ đồng; Tổng công ty Thủy sản 180,3 tỷ đồng; Tổng công ty ôtô 168,97 tỷ đồng (chiếm 47,6% nợ phải thu)… và nhiều công ty khác nợ từ vài chục đến vài trăm tỷ.
Đáng chú ý, cơ quan kiểm toán còn chỉ ra một số khoản nợ trong nội bộ tập đoàn, giữa các tập đoàn với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, EVN nợ Petro Vietnam (Tổng công ty Điện lực Dầu khí ) 12.651 tỷ đồng, trong đó quá hạn từ năm 2011 là 9.650 tỷ đồng. Số dư nợ phải thu, phải trả của Công ty mẹ - EVN với các đơn vị trong EVN lớn, không quy định thời hạn thanh toán, việc thanh toán tiền điện của các công ty mua bán điện thuộc Công ty mẹ cho các nhà máy điện thường xuyên chậm.
Rồi Vinatex chưa thanh toán cho Petro Vietnam khoản ứng vốn thay cho Vinatex để góp vào Công ty Cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí theo lộ trình tăng vốn 229,6 tỷ đồng, với thời hạn trả nợ cho Petro Vietnam là quý 1/2011 (đã gia hạn đến tháng 6/2012)…
Căn bệnh rất nặng là nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay từng được Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh của báo năm trước nay vẫn xuất hiện tại báo cáo này.
Và hệ quả là hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt mức cho phép.
Chẳng hạn, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Cienco 5: 10,03 lần; Cienco 6: 3,27 lần; IDICO 5,91 lần; một số công ty cổ phần thuộc TKV từ 3,18 lần đến 9 lần.
Còn tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ của Cienco 5: 9,07 lần; Công ty mẹ Cienco1: 5,74 lần; Công ty Cổ phần Công nghiệp Thủy sản thuộc Seaprodex: 3,2 lần; Tổng công ty 319: 4,66 lần; 8 công ty thuộc TKV có hệ số nợ trên vốn điều lệ từ 3,4 lần đến 8,74 lần; Công ty mẹ và 3 công ty thuộc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long từ 7,3 lần đến 17,9 lần; 4/5 công ty thuộc UDIC từ 7,9 lần đến 38,3 lần.
Kết quả kiểm toán còn cho thấy một số tập đoàn, tổng công ty đầu tư tài chính không đúng quy định, kinh doanh bất động sản không hiệu quả, trích quỹ lương không đúng đơn giá được phê duyệt... VnEconomy sẽ đề cập tại các bài viết sau.
VnEconomy