Kiều hối đang chảy mạnh vào ngân hàng
Thông thường, vào thời điểm này, áp lực ngoại tệ luôn đè nặng lên các ngân hàng do lượng hàng nhập khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn cộng với lượng kiều hối về dồi dào và Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý trong thời gian vừa qua nên ngoại tệ đối với doanh nghiệp và nền kinh tế đã được giải tỏa.
Kiều hối “chảy” mạnh vào ngân hàng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 11/2012, doanh số chi trả kiều hối qua các tổ chức tín dụng tại TP.Hồ Chí Minh ước đạt hơn 3 tỷ USD. Dự kiến, cả năm 2012, kiều hối về Việt Nam qua các ngân hàng của thành phố ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2011. Ngoài ra, tỷ giá ổn định cũng góp phần thu hút kiều hối gia tăng, nhất là các khách hàng nhận kiều hối bằng VND tăng đến 400%.
Đại diện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết kiều hối chuyển qua ngân hàng này từ đầu năm đến nay tăng khoảng 17%, đạt gần 1,3 tỷ USD. Khả năng lượng kiều hối chuyển qua Sacombank sẽ đạt 1,6 - 1,7 tỷ USD như kế hoạch đặt ra.
Ông Trịnh Hoài Nam, Phó giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cũng cho hay, doanh số chi trả của công ty đến nay đã đạt trên 1 tỷ USD, trong đó lượng kiều hối từ các thị trường Mỹ, Canađa, Ôxtrâylia chiếm hơn 60%.
Về nhu cầu ngoại tệ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại tuy có tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm (quý III khoảng 13 tỷ USD cho tổ chức kinh tế và 489 triệu USD cho cá nhân) nhưng không có dấu hiệu căng thẳng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên nhân là trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều tốt do nguồn cung có phần dồi dào hơn trước. Ngoài lượng kiều hối đang “chảy” mạnh vào ngân hàng thì một phần lý do khác là chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ hiện khá lớn. Vì thế, nhiều người đã bán ngoại tệ, chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao.
Mặt khác, sau một thời gian siết chặt quản lý ngoại tệ, tỷ giá chênh lệch giữa ngân hàng và thị trường tự do không còn khoảng cách đáng kể. Theo đó, người dân sau khi nhận kiều hối thường bán ngay cho ngân hàng, thay vì ra thị trường tự do bán để hưởng chênh lệch như trước đây. Chính vì những yếu tố khả quan trên, lượng ngoại tệ tập trung vào ngân hàng khá hơn, tâm lý đầu cơ, găm giữ USD cũng giảm hẳn.
“Cung” dư nhưng khó cho vay
Với tỷ giá ổn định cùng với lãi suất cho vay USD rẻ hơn VND nên nhu cầu vay ngoại tệ cuối năm của doanh nghiệp khá cao. Tuy nhiên, theo các ngân hàng thương mại, dù ngoại tệ không thiếu, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay được do vướng Thông tư 03 về vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Theo văn bản này, việc vay vốn ngoại tệ đối với nhiều đối tượng doanh nghiệp sẽ chỉ được thực hiện đến ngày 31/12/2012.
Đây là một trong những bước đi để tiến đến lộ trình trong tương lai, chấm dứt hẳn việc gửi tiết kiệm và cho vay ngoại tệ ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng chỉ cho vay USD nếu doanh nghiệp chứng minh có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ. Các doanh nghiệp không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ chỉ được phép vay khi có văn bản chính thức của Ngân hàng Nhà nước với từng trường hợp cụ thể.
Việc chứng minh doanh nghiệp mình có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được các điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra. Điều này đồng nghĩa, chỉ còn khoảng một tuần nữa là doanh nghiệp không còn “cửa” vay ngoại tệ để chuyển sang VND khi không còn được tận dụng nguồn vốn vay giá rẻ bằng ngoại tệ như trước đây, doanh nghiệp sẽ phải quay lại vay vốn bằng nội tệ với lãi suất vay cao hơn.
Trước tình hình trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng, nên tiến tới chấm dứt gửi và cho vay ngoại tệ trong năm 2015. Nhưng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nếu không được mở tài khoản tiết kiệm ngoại tệ sẽ rất thiệt thòi, bởi khi nhận được ngoại tệ thanh toán, doanh nghiệp sẽ phải bán cho ngân hàng với giá rẻ, sau đó lại phải mua ngoại tệ với giá cao khi cần.
Vì vậy, trước mắt doanh nghiệp vẫn có thể được duy trì tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, tiến tới tài khoản thanh toán này được loại bỏ, để khi ngoại tệ về sẽ phải sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái chuyển đổi ngay lập tức.
Đoàn Huế (Theo Báo Tin Tức)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 10/1/2025: Thị trường vàng tiếp tục đà tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 10/1/2025: USD tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp
Giá heo hơi ngày 10/1/2025: Miền Bắc tiếp tục duy trì đà tăng
STARLUX mua thêm 5 máy bay vận tải A350F
Giá nông sản ngày 10/1/2025: Cà phê và hồ tiêu giảm sâu bất ngờ
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết