Kinh doanh 2012: Doanh nghiệp “sợ” điều gì?
Từ ngày 1 đến ngày 25/4/2012, Ban chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 đã tiến hành điều tra chọn mẫu về thực trạng doanh nghiệp và tình trạng khó khăn của khu vực doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.
Đối tượng điều tra bao gồm 10.120 doanh nghiệp thuộc các loại hình sở hữu, trong đó có 319 doanh nghiệp nhà nước, 9.048 doanh nghiệp ngoài nhà nước, và 753 doanh nghiệp FDI.
Cản trở nhất là lãi suất và lạm phát
Cuộc điều tra đã phỏng vấn các doanh nghiệp về 11 yếu tố thuộc môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của khu vực doanh nghiệp. Kết quả cho thấy có 6 yếu tố gây cản trở lớn nhất đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lần lượt là:
Lãi suất vay vốn quá cao: Có 27,5% doanh nghiệp đồng ý với ý kiến này. 54,4% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn hiện nay là rất cản trở. Khu vực doanh nghiệp nhà nước lại có mức đánh giá rất cản trở khá cao là 60,2%, trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước là 56,5%.
Lạm phát cao và biến động thất thường được 19,2% doanh nghiệp coi là yếu tố cản trở nhất.. 50,4% doanh nghiệp cho rằng lạm phát đang rất cản trở đến hoạt động của họ, 34,8% doanh nghiệp cho rằng tương đối cản trở và chỉ có 8,6% doanh nghiệp cho rằng không cản trở.
Tiếp cận vốn khó khăn (17,5%). Về khả năng tiếp cận vốn: có 35,9% doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận vốn hiện nay rất cản trở, 39,4% doanh nghiệp cho rằng tương đối cản trở và chỉ 19,7% cho rằng không cản trở.
Các ngành đánh giá việc tiếp cận vốn khó khăn nhất gồm: xây dựng 45,1%, vận tải kho bãi 37,9%, khai khoáng 35,7%, thương mại 34,9%. Trong các vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng đánh giá việc tiếp cận vốn cản trở nhất với 42,9%, tiếp đến là Tây Nguyên và thấp nhất là đồng bằng sông Cửu Long với 27,7%.
Chi phí vận tải cao (9,6%). 46,7% doanh nghiệp cho rằng tương đối cản trở, 22,4% cho rằng không cản trở và 27% cho rằng rất cản trở.
Cung cấp điện không ổn định (7,1%). Có 42,5% số doanh nghiệp cho rằng việc cung cấp điện hiện nay cho sản xuất kinh doanh là tương đối cản trợ, 38,7% cho rằng không cản trở và 15,4% cho rằng rất cản trở.
Chính sách điều hành kinh tế không ổn định (7%). 41,6 doanh nghiệp cho rằng tương đối cản trở, 23,4% cho rằng rất cản trở và 23,3% cho rằng không cản trở.
Trong đó ngành xây dựng và ngành thông tin truyền thông “ngại” yếu tố này nhất với 27,3% cho rằng rất cản trở, tiếp đến là ngành vận tải kho bãi. Khu vực đồng bằng sông Hồng đánh giá yếu tố chính sách điều hành ở mức cản trở cao nhất với 28,6%, tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ.
Ngoài sáu yếu tố trên, năm yếu tố khác cũng được doanh nghiệp coi là có những cản trở nhất định với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về chi phí thuê đất cho sản xuất kinh doanh, có 48,5% doanh nghiệp cho rằng không cản trở, 27,7% cho rằng tương đối cản trở và 13,1% cho rằng rất cản trở
Về thuế suất, có 42,7% doanh nghiệp cho rằng không cản trở và 40% doanh nghiệp cho rằng tương đối cản trở. Trong đó, khu vực FDI và ngành thông tin truyền thông có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá mức rất cản trở cao nhất với 15,6% và 17,4%.
Về trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động, 46% doanh nghiệp cho rằng tương đối cản trở, 36,6% cho rằng không cản trở và 13,9% cho rằng rất cản trở. Trong các ngành kinh tế, thông tin truyền thông là ngành mà trình độ và kỹ năng lao động hiện gây cản trở cao nhất với 23,6%, tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến và chế tạo 18,8%.
Hệ thống pháp lý và giải quyết tranh chấp, 37,7% doanh nghiệp cho rằng không cản trở, 30,1% doanh nghiệp cho rằng tương đối cản trở và 11,1% doanh nghiệp cho rằng rất cản trở.
90% doanh nghiệp vừa nhỏ không được vay vốn
Xét riêng về tình hình vay vốn, trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỏi thì 53,9% doanh nghiệp từ năm 2009 đến nay có biết Nhà nước có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn lại 46,1% doanh nghiệp không biết.
Trong số các doanh nghiệp có biết chính sách này thì có 21,1% doanh nghiệp có được hỗ trợ vay vốn. Nếu xét trên tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn chỉ đạt 10%, còn lại 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa không được ưu đãi vay vốn ưu đãi).
Về nguồn vốn vay, hiện có 58,1% doanh nghiệp đang vay vốn để sản xuất kinh doanh và 41,9% doanh nghiệp không vay vốn. Trong số các doanh nghiệp vay vốn thì 58,9% số doanh nghiệp vay từ ngân hàng thương mại nhà nước, 38,5% doanh nghiệp vay từ bạn bè, người thân, 29,2% doanh nghiệp vay từ ngân hàng thương mại ngoài nhà nước và 5,5% doanh nghiệp vay từ ngân hàng FDI và 4,7% doanh nghiệp vay từ nguồn khác.
Đáng chú ý là có tới 75,3% doanh nghiệp nhà nước vay vốn từ ngân hàng thương mại nhà nước, trong khi các doanh nghiệp FDI vay vốn của ngân hàng thương mại nhà nước chỉ có 25,4% và khu vực này vay của ngân hàng FDI lên tới 43,7%.
Hiện có tới 70,9% doanh nghiệp đang vay vốn với lãi suất trên 17%/năm, trong đó số doanh nghiệp vay vốn với lãi suất trên 17% - 18% là 18,5%; trên 18 – 19% là 19,2%; trên 19% - 20% là 17,5% và trên 20% là 15,7%.
Trong số các doanh nghiệp không vay vốn được hỏi thì 46,2% doanh nghiệp cho rằng không có nhu cầu vay, 39,9% doanh nghiệp cho rằng vì lãi suất quá cao, 28,5% cho rằng thủ tục vay phức tạp, mất nhiều thời gian, 18,8% doanh nghiệp cho rằng không có đủ tài sản thế chấp.
Chính thế, mong muốn và kiến nghị lớn nhất của doanh nghiệp với Chính phủ theo kết quả cuộc điều tra là tập trung nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (87,6%) , ổn định lãi suất vay vốn hợp lý với tỷ lệ doanh nghiệp đề nghị (87%).
Theo VnMediâ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh