Tin tức - Sự kiện

Kinh doanh bệnh viện cao cấp: Cuộc chơi không dành cho kẻ yếu

Số lượng 133 bệnh viện ngoài công lập dường như chưa phản ánh hết sức hấp dẫn lớn của mô hình bệnh viện tư nhân cao cấp.

Những năm trước, nhiều gia đình có điều kiện thường phải đưa người thân sang Singapore, Thái Lan chữa bệnh nặng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, có khoảng 30.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh mỗi năm với tổng chi phí (ước tính) lên tới hơn 1 tỷ USD.

 

Cuộc chơi lớn

 

Đón bắt nhu cầu được chữa bệnh với chất lượng cao này, ngày càng có nhiều bệnh viện tư quốc tế ra đời ngay tại Việt Nam. Cuối tháng 3 vừa qua, một trong những bệnh viện tư nhân hiện đại nhất TP.Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động. Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn có tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng với diện tích 2.168m2 và quy mô 200 giường bệnh. Hiện là bệnh viện tư nhân lớn nhất TP.Hồ Chí Minh, Hoàn Mỹ Sài Gòn có khả năng phục vụ khoảng 2.000 bệnh nhân một ngày.

 

Theo bác sĩ Phạm Viết Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, cả thành phố hiện có 101 bệnh viện, trong đó có 34 bệnh viện do tư nhân làm chủ. Hoàn Mỹ Sài Gòn ra đời từ sự liên doanh giữa Tập đoàn y khoa quốc tế Fortis và Tập đoàn Hoàn Mỹ với mục tiêu đầu tư công nghệ chuyên sâu và hiện đại.

 

Tuy nhiên, để xây dựng một bệnh viện tư tiêu chuẩn quốc tế không đơn giản, bởi đòi hỏi đầu tư ban đầu rất lớn. Đơn cử như Hoàn Mỹ Sài Gòn, suất đầu tư lên tới trên 3,5 tỷ đồng/giường bệnh. Trong khi đó, thời gian hoàn vốn và sinh lời của một bệnh viện tư thường mất trung bình 4 - 5 năm. Hoạt động từ năm 2003, tính đến nay, Bệnh viện FV được đầu tư tổng cộng hơn 60 triệu USD. Theo ông Jean Marcel Guillon, Tổng Giám đốc FV thì phải sau 4 năm khai trương, tức là từ năm 2007, Bệnh viện FV mới bắt đầu có lãi. Năm nay, bệnh viện này dự kiến đón tiếp 230.000 bệnh nhân và đạt doanh thu dự kiến khoảng 40 triệu USD (doanh thu 2011 là 35 triệu USD).

 

Tại Hà Nội, sự xuất hiện của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec hồi tháng 1 vừa qua cũng đã thay đổi diện mạo thị trường y tế cao cấp. Tọa lạc tại khu đô thị Times City (Hà Nội) bệnh viện có hơn 60.000 m2 mặt sàn, hơn 600 phòng bệnh và phòng khám. Đây là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng theo mô hình bệnh viện - khách sạn với toàn bộ phòng bệnh là phòng đơn tiêu chuẩn quốc tế. Ra đời sau, nhưng VinMec gây chú ý theo cách riêng của mình, với nguồn lực tài chính hùng hậu từ chủ đầu tư - Tập đoàn Vingroup. Cách làm của Vingroup là mời các bác sỹ đầu ngành về làm việc.

 

Dài hơi, bền sức

 

Cuộc chơi lớn đầu tư vào lĩnh vực bệnh viện tư nhân cao cấp đang nóng hơn bao giờ hết. Xu hướng này không thể đảo ngược tại Việt Nam - thị trường gần 90 triệu dân và có mức tăng trưởng GDP thuộc loại cao trong khu vực. Singapore, thị trường bệnh viện cao cấp đứng đầu khu vực đang có dấu hiệu sẽ đạt ngưỡng bão hòa nên các nhà đầu tư quốc tế được dự báo sẽ đổ vốn vào Việt Nam. Trong khi đó, với chính sách xã hội hóa y tế và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực y tế, Việt Nam đã có những động thái tháo gỡ các rào cản về thuế đối với lĩnh vực này. Thuế thu nhập doanh nghiệp trong đầu tư y tế hiện chỉ còn 10% và doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm nếu mới thành lập và giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo.

 

Dài hơi và bền sức vẫn là hai tiêu chí quan trọng để đầu tư vào ngành này. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế thì một trong những điều kiện bắt buộc để mang lại sự thành công cho bệnh viện cao cấp là hệ thống máy móc. Khác với các bệnh viện nhà nước được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ, các bệnh viện tư phải tự lo toàn bộ đầu tư ban đầu. Điều này buộc các doanh nghiệp tham gia đầu tư phải có nguồn vốn lớn và ổn định (để tái đầu tư trong quá trình vận hành).

 

Trong khi đó, việc nhập các thiết bị đồng bộ trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên khoa sâu rất tốn kém và chỉ có các hãng lớn trên thế giới mới sản xuất được. Lấy ví dụ, hệ thống máy chụp CT Scanner 128 lát cắt của Bệnh viện Vinmec. Hiện ở Việt Nam mới chỉ có Bệnh viện Đồng Nai và Bệnh viện Vinmec trang bị máy CT 128 Scanner đời cao như vậy. Theo bác sĩ Trần Hải Đăng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Vinmec, ưu điểm của loại máy này là khả năng chẩn đoán chính xác và đa dạng từ bệnh nhân nặng, người già đến trẻ em.

 

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng: 30.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám và chữa bệnh

Đối với một bệnh viện lớn, máy cộng hưởng từ 3.0 Tesla là phương tiện không thể thiếu nhằm phát hiện bệnh sớm. Chiếc máy này có thể phát hiện sớm nhiều loại bệnh nguy hiểm gồm: u não, tổn thương não, thoát vị đĩa đệm, tổn thương u. Việt Nam cũng mới chỉ có hai máy cộng hưởng từ 3.0 Tesla đặt tại Viện 108 (đời đầu) và VinMec (đời sau). Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng nhập các máy móc thiết bị hiện đại như máy chụp điện toán cắt lớp MSCT 64 lát cắt và máy chụp mạch máu xóa nền kỹ thuật số DSA.

 

Theo dự báo của các chuyên gia đầu tư Nhật Bản, tổng doanh thu từ lĩnh vực bệnh viện cao cấp tại Việt Nam có thể đạt mức 500 triệu USD/năm vào năm 2015. Về lâu dài, Vinmec vẫn hướng đến nhóm khách hàng có khả năng chi trả cao cho các dịch vụ y tế cao cấp.

 

Sức nóng từ lĩnh vực bệnh viện cao cấp chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Bệnh viện An Sinh Hà Nội được khởi công với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng và quy mô 500 giường bệnh. (Tuy nhiên, theo thông tin chưa được kiểm chứng, bệnh viện này mới tạm dừng xây dựng). Thời điểm năm 2013 cũng là lúc nhiều tên tuổi lớn từ nước ngoài chuẩn bị đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn y tế Parkway của Singapore cho biết, dự kiến quý I/2013 họ sẽ khai trương Bệnh viện quốc tế Thành Đô tại quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh có vốn đầu tư 80 triệu USD. TSB Technology Systems Business AG, một công ty Đức, cũng đang nhắm đến thị trường Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, hai thành phố lớn tập trung dân cư có mức thu nhập khá để nghiên cứu xây dựng một bệnh viện quốc tế.

Theo dddn

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo