Kinh doanh không hiệu quả, SCIC có thể bị giải thể
Theo dự thảo mới, SCIC sẽ bị giải thể nếu kinh doanh thua lỗ kéo dài, hoặc không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết. SCIC cũng có thể bị giải thể nếu việc tiếp tục duy trì Tổng công ty là không cần thiết.
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo điều lệ hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Theo đó, SCIC có thể được nâng vốn điều lệ lên 40.000 tỷ đồng, do nhà nước cấp để thành lập, kinh doanh và sẽ được bổ sung trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định, SCIC sẽ bị giải thể trong trường hợp kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn; hoặc không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết.
SCIC cũng có thể bị giải thể nếu việc tiếp tục duy trì Tổng công ty là không cần thiết. Thủ tướng Chính phủ sẽ là người quyết định giải thể Tổng công ty theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng quy định một số quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Thành viên SCIC, ban lãnh đạo, trong đó nêu rõ các thành viên và tổng giám đốc SCIC sẽ bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi không hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu được giao; báo cáo không trung thực tình hình tài chính của Tổng công ty.
Chính phủ yêu cầu Tổng công ty ty có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý theo quy định của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điều lệ này.
Sau khi được hoàn tất lấy ý kiến, điều lệ này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Trước đó, SCIC từng gây "ầm ĩ" trong dư luận vì khoản tiền lên đến 19.600 tỷ đồng - một số tiền rất lớn được mang đi gửi ngân hàng để kiếm lãi, trong khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu vốn và phá sản.
Cụ thể, theo báo cáo của SCIC năm 2012, doanh thu mà SCIC đạt được là 3.888 tỷ đồng, trong đó, có tới 55% doanh thu, tương đương với 2.151 tỷ đồng là doanh thu cổ tức; còn doanh thu tài chính chiếm tỷ trọng 40% trong tổng doanh thu 2012, đạt 1.568 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái ngược với các ý kiến phản đối, lên án cách làm này của SCIC thì ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính lại cho rằng, SCIC làm đúng luật, thậm chí trong tình hình thị trường không thuận lợi thì đây là cách làm tỉnh táo để bảo toàn vốn của Nhà nước.
Nhận định về đề xuất tăng vốn cho SCIC lên gấp 8 lần so với trước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, điều quan trọng là hiệu quả kinh doanh của SCIC chứ không phải là tăng vốn.
Hướng cơ bản của SCIC kể cả nếu như muốn tăng vốn thì phải bằng cách bán bớt các doanh nghiệp, chứ không cần thiết phải giữ số vốn lớn của Nhà nước. Đấy là hướng chính và không nên tăng thêm vốn cho SCIC.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, một công ty dư thanh khoản để có tiền đi gửi ngân hàng thì những hoạt động thường không đòi hỏi một mức vốn cao. Vì nếu đòi hỏi mức vốn cao thì có nghĩa là công ty đó cần đến vốn để hoạt động chứ không phải để mang đi gửi ngân hàng. Và đã là một công ty của Nhà nước, tức là công ty của nhân dân thì nhân dân cần phải biết số tiền của mình được đầu tư vào việc gì, như thế nào.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
FID báo cáo sai khoản lỗ
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Cột tin quảng cáo