Kinh doanh sách điện tử: Vừa làm, vừa lo
Doanh nghiệp kinh doanh sách điện tử tại Việt Nam có thể phân thành hai nhóm. Nhóm đầu là nhà xuất bản và công ty phát hành sách như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn Học, Phương Nam, Thái Hà Books, Thời Đại, Trí Việt… Nhóm sau là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số như Lạc Việt, Alezaa, Viettel…
Mới phát triển
Với nhóm đầu, kinh doanh sách điện tử như là cách khai thác tài nguyên từ ấn bản in của họ. Theo ông Đồng Phước Vinh, Phó giám đốc Công ty sách điện tử Trẻ (Ybook), hội chợ sách tổ chức tại Frankfurt (Đức) vào giữa năm 2012 có thống kê: 36% các nhà xuất bản trên thế giới đã kinh doanh sách điện tử với doanh số khoảng 10%. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ nhận định: “Ưu thế lớn nhất của nhóm này là sở hữu toàn bộ bản thảo sách in nên dễ dàng thoả thuận với tác giả trong việc chuyển sang phiên bản sách điện tử”. Cũng theo ông Nhựt, nhà xuất bản có khả năng đưa ra chính sách khuyến khích như tặng sách cho người đọc thông qua điểm thưởng tích luỹ khi mua sách điện tử. Theo hợp đồng với tác giả nhưng theo thông lệ quốc tế, khi chuyển từ bản giấy sang bản sách điện tử, tác giả sẽ được hưởng thêm 25% trên doanh số của tác phẩm.
Trong các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số, đi đầu trong lĩnh vực này là Alezaa.com, với việc khai trương cửa hàng trên mạng vào tháng 11/2010. Bán sách điện tử từ năm 2008, đến ngày 26/10/2012, Lạc Việt đẩy mạnh kinh doanh sách điện tử với hơn 5.000 đầu sách ở nhiều thể loại được bán qua sachbaoVN.vn. Trước đó, ngày 10/9/2012, tập đoàn viễn thông Viettel cũng triển khai dịch vụ bán sách điện tử có tên Anybook. Khác với Alezaa.com, hai doanh nghiệp Lạc Việt và Viettel chỉ xem sách điện tử là một trong số các sản phẩm họ khai thác. Có kinh nghiệm trong việc tổ chức kinh doanh, song doanh nghiệp thuộc nhóm sau không thuận lợi bằng nhà xuất bản do chi phí tác quyền chiếm từ 40 – 50% trên tổng doanh thu của đầu sách. “Vì tỷ lệ cao như vậy mà các doanh nghiệp kinh doanh độc lập khó cạnh tranh với các nhà xuất bản”, ông Hà Thân, Giám đốc Công ty Lạc Việt, nói.
Nhiều nỗi lo
Yếu tố chính cản trở sách điện tử tại Việt Nam phát triển, theo hầu hết các doanh nghiệp đang kinh doanh, chính là nạn không tôn trọng bản quyền. Hiện có hàng chục website đưa sách điện tử không bản quyền bán công khai, thậm chí còn ghi rõ cả số tài khoản ngân hàng giao dịch. Tuy nhiên, ít thấy cơ quan có trách nhiệm xử lý các website như vậy. Ở các cửa hàng bán thiết bị, đặc biệt là mặt hàng máy tính bảng, người mua có thể chép hàng ngàn đầu sách điện tử miễn phí khi mua. Cũng như phần mềm không bản quyền, người có nhu cầu có thể tới cửa hàng bán phần mềm để mua đĩa CD chứa hàng chục ngàn sách điện tử với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/đĩa.
“Văn bản pháp lý đã có nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng xử lý doanh nghiệp cung cấp sách điện tử không có bản quyền. Quá dễ xác định danh tính của những chủ website đó”, một doanh nghiệp cung cấp sách điện tử có bản quyền bức xúc. Với thói quen tiêu dùng miễn phí, nay có sẵn các sách điện tử miễn phí sẽ làm người tiêu dùng không chịu chi tiền để mua sách điện tử có bản quyền.
Trong khi các trang web cho người đọc tải miễn phí nhiều sách hay thì giá của các sách điện tử có bản quyền lại cao. “Với giá bán phổ biến bằng 30% đến 50% giá sách in, sách điện tử có bản quyền khó phát triển như mong đợi”, kỹ sư Nguyễn Minh Đức (hội Vô tuyến điện tử TP.Hồ Chí Minh), một độc giả sách điện tử đồng thời là một tác giả các đầu sách kỹ thuật, chia sẻ. Cũng theo ông Đức, nhà xuất bản cần hạ thấp chi phí bản quyền (40 – 50%) để các doanh nghiệp hạ giá thành, mới hy vọng sách điện tử phát triển. Nhiều bạn đọc trẻ cũng cho rằng, mức giá sách điện tử phải rẻ hơn 30% giá bìa sách in mới hấp dẫn người mua và đọc.
Vì những yếu tố trên, dù thị trường thiết bị đọc sách, từ điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy đọc sách tại Việt Nam trong những năm qua gia tăng mạnh nhưng lượng người sử dụng những thiết bị trên để đọc sách còn quá thấp. Trong một khảo sát “bỏ túi” với hơn vài ngàn thiết bị do Lạc Việt tổ chức vào năm ngoái, chỉ có khoảng 20% ít nhất một lần sử dụng để đọc sách điện tử.
Vì nạn vi phạm tác quyền, không ít doanh nghiệp khốn đốn mà Scitec là một trường hợp điển hình cách đây hơn mười năm trong lĩnh vực phần mềm. “Trong bối cảnh thị trường còn sơ khai, phải chấp nhận “sống chung với lũ” chứ không thể ngồi chờ. Cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh sách điện tử, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có công thức, mô hình phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Vinh nói.
Đầu tư từ năm 2008 tới nay hết 20 tỉ đồng, nhưng doanh thu từ nguồn sách điện tử của Lạc Việt trong những năm qua chừng 1 – 1,5 tỉ đồng/năm. “Chúng tôi phải dùng doanh thu của phần mềm từ điển khoảng 30 tỉ đồng/năm để nuôi dịch vụ sách điện tử”, ông Thân cho biết. “Sắp tới, chúng tôi triển khai hình thức in theo yêu cầu (print on demand – POD) cho các độc giả. Họ yêu cầu bao nhiêu, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng”, ông Nhựt nói thêm về thế mạnh của các nhà xuất bản khi kinh doanh sách điện tử.
Việt Anh (Theo SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương