Kinh doanh và tiêu dùng

'Hai thái cực' hàng tiêu dùng nhanh: Bán chạy và ế ẩm

Dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp tới ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong đó, có những sản phẩm rơi vào tình cảnh tồn kho lớn, ế ẩm; mặt khác lại có những sản phẩm đắt hàng như "tôm tươi".

Siêu thị Hà Nội đầy ắp hàng hóa, giá cả ổn định / Doanh nghiệp dự trữ hàng hóa gấp 3 lần, người dân không nên đổ xô mua tích trữ

Khảo sát thị trường hàng tiêu dùng nhanh những ngày qua cho thấy, mì tôm hay thực phẩm đông lạnh bán rất chạy. Thậm chí có thời điểm mặt hàng mì tôm rơi vào tình trạng cháy hàng do người dân ồ ạt đi mua. Trong khi đó, ngành đồ uống, bia và nước ngọt lại có xu hướng tiêu thụ giảm.

Mì tôm, thực phẩm đông lạnh đắt khách

Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, cùng với những thay đổi trong việc mua sắm và tiêu dùng bởi tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng đã phản hồi rằng sự tiêu thụ của họ đối với một số ngành hàng đã có những ảnh hưởng và thay đổi nhất định.

Người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như sợi ăn liền

Người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như sợi ăn liền

Với hành vi lưu trữ thức ăn tại nhà, người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như sợi ăn liền (tăng 67%), thực phẩm đông lạnh (tăng 40%) và xúc xích tiệt trùng (tăng 19%). Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp cũng là những ngành hàng đang có xu hướng tăng.

Thêm vào đó, ngành chăm sóc vệ sinh cá nhân (nước súc miệng tăng 78%, chăm sóc cơ thể tăng 45% và khăn giấy tăng 35%); chăm sóc nhà cửa cũng được tiêu thụ nhiều hơn vì mọi người đang quan tâm và bảo vệ sức khỏe của mình trước dịch Covid-19.

Tương tự, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cũng đánh giá, dịch Covid-19 sẽ tác động nhất định đến ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý I và quý II/2020 theo hướng chi tiêu cho ăn uống và các hoạt động tiêu dùng khác bên ngoài nhà có xu hướng bị cắt giảm trong giai đoạn bùng phát dịch do người dân hạn chế ra đường hay đến các khu vui chơi, mua sắm, giải trí.

Những ngành hàng được dự báo tăng trưởng là chất tẩy rửa gia dụng, vệ sinh cá nhân, các thực phẩm lành mạnh như nước ép trái cây, các loại thực phẩm ăn liền như mì ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ...

 

Ngược lại, các khảo sát trên cũng chỉ ra rằng ngành đồ uống, bia và nước ngọt đều có xu hướng tiêu thụ giảm. Theo các báo cáo phân tích gần đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty Chứng khoán SSI, ngành công nghiệp rượu, bia sẽ giảm 10-20% lượng tiêu thụ trong năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, cho biết từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

Bia rượu kêu cứu

Thực tế, qua 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành đều sụt giảm mặc dù vào đúng dịp Tết và mùa lễ hội, mùa có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong các năm trước đây. Một số doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ tới 40-50% trong 2 tháng vừa qua. Một số hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019.

Việc giảm sản lượng tiêu thụ có tác động tiêu cực làm giảm doanh thu, các doanh nghiệp nhỏ có thể phải đóng cửa do làm ăn khó khăn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các đối tác và các nhà cung cấp, các nhà hàng và quán ăn...

 

Ông Trần Xuân Tộ, Tổng Giám đốc CTCP Bia - Nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô, chia sẻ hàng tồn kho của doanh nghiệp ngày càng tăng. Sản lượng bán hàng của Công ty trong tháng 1/2020 so với cùng kỳ chỉ đạt 45,8%, tháng 2 đạt 43,7%, tổng 2 tháng đầu năm đạt 44,96%, dẫn tới doanh thu chỉ bằng 45-46% so với cùng kỳ năm trước.

Trước khó khăn này, các doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát đã có văn bản "kêu cứu" với Thủ tướng. Trong đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét giảm một số loại thuế, phí; hoãn đề xuất tăng các loại thuế; đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp....

Không riêng ngành bia, rượu, nước giải khát, các sản phẩm bánh kẹo cũng chịu tác động. Bà Huỳnh Minh Băng Nga, Chuyên viên quản lý cấp cao Công ty DKSH tại Việt Nam, cho biết nhiều ngành mặt hàng của ngành hàng tiêu dùng nhanh đang bị tồn kho rất nhiều. "Mọi năm, những tháng đầu năm, chúng tôi bán được rất nhiều mặt hàng về tiêu dùng nhanh như bánh kẹo nhưng năm nay doanh số bán hàng ở các siêu thị và các cửa hàng bách hóa giảm tới 1/2", bà Nga nói.

Ông Nguyễn Anh Dzũng, Trưởng bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam, nhận định dịch Covid-19 đang có ảnh hưởng rõ ràng đến đời sống của người tiêu dùng, tuy nhiên có thể mong chờ sự phục hồi nhanh chóng vì niềm tin cao của người tiêu dùng Việt Nam. Sức tiêu thụ sẽ có thể quay trở lại sau khi dịch bùng phát, những nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên chuẩn bị đủ nguồn cung cho giai đoạn này.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, các nhà tiếp thị nên tận dụng xu hướng này bằng cách khuyến khích người tiêu dùng duy trì những thói quen tốt lâu dài hơn. Điều đó có thể được thực hiện bằng cách giáo dục người tiêu dùng về lợi ích cùng với chiến lược thị trường phù hợp - luôn hiện hữu ở đúng nơi với giá cả hợp lý.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thị trường cũng cho rằng sau dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ "khát" những sản phẩm tiêu dùng nhanh chất lượng cao nên các doanh nghiệp phải chuẩn bị hàng hóa đầy đủ để có thể nắm bắt cơ hội.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm