Nhức nhối vấn nạn 'mài vỏ, cắt tai' bình gas
Cao sao vàng, chổi đót, nón lá Việt Nam đắt khách nơi xứ người / Gian lận thương mại tinh vi, muốn xử lý hình sự cũng khó
Thời gian gần đây, gia đình chị Huyền (Từ Liêm, Hà Nội) nhận được tờ rơi về các chương trình ưu đãi khi mua gas, với nhiều thương hiệu khác nhau.
"Ham với chương trình ưu đãi, tôi mua thử một bình gas loại khác về dùng nhưng chỉ sử dụng được hơn một tháng là hết gas, dù gia đình không đun nấu nhiều. Bản thân mình không cưỡng lại các chương trình như giảm giá vài chục nghìn/bình, tặng nước rửa bát, lau kính... tuy biết rằng có thể sẽ mua phải bình gas không đảm bảo chất lượng", chị Huyền chia sẻ.
Trăm tội 'đổ đầu'... cái bình
Trong khi đó, vấn nạn chiếm dụng vỏ bình gas đang là nỗi "đau đầu" của nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính. Theo ông Đoàn Trọng Thà - Trưởng Ban chống gian lận thương mại, Hiệp hội Gas Việt Nam, để kinh doanh gas, thương nhân phải đầu tư rất lớn hàng trăm tỷ đồng vào bình gas và bình gas là phương tiện để bán gas, là tài sản lớn của công ty kinh doanh LPG. Chủ sở hữu bình phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đóng thuế, phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chi phí quảng bá thương hiệu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định…, song vấn đề quản lý bình LPG hiện nay hết sức khó khăn.
Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi (Ảnh minh họa: Int).
Ông Thà cho biết, tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ bình của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường. Việc làm này trở thành bất cập, gây thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, Nhà nước thất thu thuế và là một trong các nguyên nhân gây ra cháy nổ.
Trong khi đó, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí lại không có chế tài xử phạt về gas giả. Vấn đề cần làm rõ hiện nay là: khi kiểm tra thì gas thật nhưng là gas của người vi phạm, bình thật nhưng là bình của chủ sở hữu bị chiếm dụng trái phép.
"Hiện tại, hành vi vi phạm như vậy diễn ra tại mỗi địa phương, mỗi lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm, mỗi vụ việc có những cách áp dụng pháp luật khác nhau. Do đó cần có sự trao đổi, hướng dẫn thống nhất của cơ quan có thẩm quyền về xác định hành vi vi phạm để có chế tài xử lý đúng, bởi hành vi vi phạm liên quan đến chế tài xử phạt", ông Thà chia sẻ.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, vẫn còn tồn tại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp gas lậu, trong khi vẫn chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để khiến các DN làm ăn chân chính bị tác động rất nhiều.
Kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong khi đó, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, tình trạng một số DN kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các DN có uy tín vẫn xảy ra thường xuyên. Có tình trạng nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng. Hơn thế nữa, thương hiệu của các DN chân chính cũng bị ảnh hưởng bởi chính những thủ đoạn này.
Ông Minh chỉ rõ: Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng như tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường hoặc sang chiết gas mini trái phép.
Trước tình trạng trên, Hiệp hội Gas khuyến nghị các thương nhân kinh doanh gas trước hết tự bảo vệ chính DN của mình bằng các giải pháp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng niêm phong, tem chống giả và các biện pháp khác như theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ, những dấu hiệu vi phạm để phối hợp, tố cáo với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý...
Về phía người tiêu dùng, cần tìm hiểu thông tin và chỉ mua hàng của các thương nhân kinh doanh chân chính, có uy tín về chất lượng, đủ trọng lượng; kịp thời thông báo những thương nhân vi phạm cho các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xử lý.
Đồng thời, các DN gas kiến nghị Nhà nước nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của mặt hàng gas. Trong đó, cần làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh khí: hàng giả, giả mạo sở hữu trí tuệ, san chiết trái phép.
Đặc biệt, cần xây dựng và ban hành thông tư quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm cơ sở pháp lý thống nhất cho các hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm trong hoạt động kinh doanh khí.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến nghị người dân trong quá trình sử dụng chai LPG không nên thường xuyên thay đổi chủng loại, nhãn hiệu LPG, tạo điều kiện cho các cửa hàng, trạm chiết nạp tồn trữ chai LPG của thương nhân khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Smartphone ‘nồi đồng cối đá’, pin 6.000 mAh, RAM 8 GB, giá hơn 4 triệu đồng
Honda ra mắt ‘xe ga quốc dân’ 125cc mới giá 28 triệu đồng đẹp lấn át LEAD, có màn TFT xịn hơn Vision
Xe hơi đẹp mê ly, giá gần 490 triệu đồng, so kè cùng Mini Cooper
"Vua côn tay" 150cc của Honda bất ngờ giảm đậm 23 triệu đồng
Mẫu Galaxy 5G "kín tiếng" nhưng cấu hình ổn trong tầm giá 5 triệu: Thiết kế thanh tú, camera 50MP
Sedan hạng B đua khuyến mại cuối năm: Hyundai Accent, Honda City... cùng chạm đáy - có mẫu chỉ 419 triệu đồng