Kinh doanh và tiêu dùng

Vẫn 'đau đầu' chuyện hàng giả, hàng nhái

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389, trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm, thu nộp Nhà nước 4.386,9 tỷ đồng; khởi tố 369 vụ (tăng 14% so với cùng kỳ). Đây là những con số không hề nhỏ trong bối cảnh nạn hàng giả, hàng nhái vẫn đang làm "đau đầu" các nhà sản xuất.

Cao sao vàng ở Việt Nam giá 5.000 đồng, sang Nhật bán đắt gấp 50 lần / Black Friday ngập tràn ưu đãi từ Shu emura và Yves Saint Laurent

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết trên không gian mạng, nhóm hàng bị làm giả là những hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất như đồ công nghệ điện tử, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm.

Muôn hình, vạn trạng thủ đoạn làm giả

Đại diện Bộ Công Thương nói rằng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi như hoạt động bán hàng online, phân tán hàng hóa nên khó thu thập chứng cứ vi phạm, đối tượng vi phạm. Trong khi đó, người tiêu dùng dù biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.

Ông Ngô Sĩ Nghị, Phó Tổng giám đốc công ty CP Ngôi sao châu Âu - đơn vị chuyên kinh doanh ngành hóa mỹ phẩm, phân phối độc quyền các sản phẩm từ Ý về Việt Nam đã kể lại nhiều lần DN này phải khốn khổ vì hàng giả, hàng nhái.

Từ con số 0, đến nay sau hơn 10 năm xây dựng, các sản phẩm mà DN này phân phối đã được nhiều người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, nhưng đây cũng chính là thời điểm mà DN phải đối mặt với vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng cận đát kém chất lượng.

Thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ ngày càng tinh vi.

Thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ ngày càng tinh vi.

Hàng lậu, hàng kém chất lượng đang được chào bán công khai trên thị trường, từ các điểm bán hàng nhỏ lẻ tới các sàn thương mại điện tử lớn. Vừa qua, đại diện công ty Ngôi sao châu Âu phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một điểm bán hàng tiêu dùng châu Âu ở Hà Nội. Kết quả phát hiện gần 2.000 sản phẩm tại đây không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, trong đó nhiều sản phẩm nhái thương hiệu nước hoa Tesori. "Dù thương hiệu này đã được chúng tôi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại thị trường Việt Nam", ông Nghị nói.

Cùng chung nỗi lo về vấn nạn này, bà Nguyễn Thị Quyên, Trưởng Ban pháp chế, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, cho biết hàng giả đa dạng về chủng loại như hàng thật. Panasonic bị giả mạo từ hàng gia dụng, hàng điện tử đến thiết bị điện, pin… Hàng chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, vào Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái. Hàng giả xuất hiện khắp các tỉnh thành và ngày càng nhiều trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các trang web của các nhà cung cấp.

Ẩn họa hàng ngoại 'đội lốt' hàng Việt

Nghiêm trọng hơn, thời gian gần đây, hàng hóa Việt Nam còn có nguy cơ bị hàng nước ngoàigiả mạo xuất xứ để né thuế khi xuất khẩu. Ông Nguyễn Xuân Khương, Phó Đội trưởng Đội 4, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao đang tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.

 

Kết quả đến thời điểm hiện tại số vụ việc mà cơ quan Hải quan đã kiểm tra là 78 DN, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện.

Đặc biệt cuối năm 2019 đã phát hiện một công ty CP có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM), không có thẩm quyền cấp C/O nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cấp C/O xuất khẩu cho 33 DN, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng.

"Đây là một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố", ông Khương cho biết.

Cùng với đó, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công An - cho biết có một số thủ đoạn mới đã được ghi nhận tại Việt Nam như việc xuất hiện tình trạng một số DN Trung Quốc chuyển dịch nhà máy sang để sản xuất hàng hóa. Nhưng thực chất là đưa hàng hóa, chi tiết, linh kiện sang Việt Nam rồi gia công, lắp ráp đơn giản để gắn nhãn Made in Vietnam. Hàng hóa nhập khẩu không thể hiện xuất xứ sản phẩm, nhưng khi làm thủ tục hải quan hay lưu thông ra thị trường lại gắn nhãn Made in Vietnam.

Đặc biệt, đại diện C03 nhấn mạnh tới hành vi làm giả hồ sơ tài liệu như: Chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Chứng nhận kiểm định chuyên ngành; Giấy ủy quyền thương mại. Theo ghi nhận, loại hình gian lận này thời gian qua ở Việt Nam đang xuất hiện nhiều ở nhóm các DN kinh doanh lương thực, thực phẩm, hoặc có hoạt động nhập khẩu hàng hóa là dược phẩm, bánh kẹo, trái cây, bột gia vị, hương liệu dùng để chế biến thực phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam. Mặc dù là hàng Trung Quốc, nhưng trên bao bì lại thể hiện nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Khi làm thủ tục hải quan sẽ được phân luồng xanh nên cơ quan không kiểm soát được.

 

"Với thủ đoạn như vậy, các đối tượng đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với các thương hiệu nước ngoài để lừa dối người tiêu dùng, thu lời bất chính. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín và thương hiệu của DN nước ngoài", đại diện C03 bình luận.

Trong thời gian tới, để công tác kiểm soát xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Xuất nhập khẩu), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng... để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các hiệp hội để thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng xuất nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến, xác định các DN có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm