Kinh doanh và tiêu dùng

Vụ hoa Tết 2021: Được mùa, người trồng vẫn... thấp thỏm

Thị trường Tết là mùa làm ăn của các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh, nhưng vụ Tết Nguyên đán 2021, nhiều nhà vườn lo lắng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua sẽ giảm. Dù vậy, thời điểm này, hầu hết các nhà vườn đã xuống giống và tích cực chăm sóc với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết trúng mùa, được giá.

Nông dân Hội An “đỏ mắt” chờ thương lái mua quất / Tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Tân Sửu

hoa-Cuc-8720-1609919338.jpg

Người dân xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội, chăm sóc những luống hoa cúc vàng chuẩn bị cho vụ hoa Tết.

Những ngày này, tại các cánh đồng hoa thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội, người dân tất bật với công việc trồng và chăm sóc các loại hoa hồng, hoa cúc, hoa ly... để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Tân Sửu 2021. Với diện tích khoảng 1.909,9 ha, nguồn hoa tươi ở các làng hoa thuộc huyện Mê Linh dự báo không chỉ cung cấp cho thủ đô Hà Nội mà còn tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An...

Chủng loại đa dạng, giá bán tăng nhẹ

Chị Nguyễn Thu Hiền (thôn Sơn Lôi, Mê Linh) cho biết, gia đình chị có 4 sào trồng hoa và rau củ xen kẽ trong năm. Tuy nhiên, trước Tết khoảng 2 tháng, chị sẽ thu hoạch hết rau củ và chỉ trồng hoa để phục vụthị trường Tết. Trong đó, có 3 loại chủ lực là hoa cúc, hoa ly và hoa hồng.

Theo chị Hiền, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu chơi hoa của người dân cũng giảm mạnh so với mọi năm nên người trồng hoa gần như không có lãi.

Bên cạnh đó, một số đợt mưa lớn kéo dài trong nửa cuối tháng 10/2020 cũng khiến một số diện tích hoa bị thối rễ, chậm phát triển...

 

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và thời tiết thuận lợi để hoa phát triển, người trồng hoa có bao nhiêu đất đều tận dụng trồng hết, với nhiều chủng loại khác nhau. “Gia đình tôi phải huy động hết nhân lực trong nhà để khẩn trương chăm bón, phun thuốc thường xuyên để khôi phục lại những trà hoa kém phát triển, đồng thời gieo trồng những trà hoa mới như cúc, ly... để kịp thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán”, chị Hiền cho hay.

Theo nhận định của người trồng hoa, những năm gần đây, khách hàng thường có xu hướng chọn những loại hoa, cây cảnh có màu sắc rực rỡ, giữ được lâu với giá cả phải chăng để chơi Tết.

Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, một số nhà vườn ở huyện Mê Linh đã thay đổi phương pháp trồng hoa Tết. Họ tuyển chọn một số loại cây hoa đẹp nhất, không bị sâu bệnh và đang ở độ tuổi phát triển để trồng vào trong chậu.

Ví dụ, dòng hoa ly được tuyển chọn là ly lùn có màu đỏ tươi. Đây là dòng ly nở hoa rất to, hương sắc rực rỡ, nên được nhiều khách hàng “săn” để trưng bày dịp Tết.

hoa-ly-5457-1609919339.jpg

Những năm gần đây, hoa ly lùn trồng trong chậu được người dân ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán.

 

Hoa được mùa lại lo Covid - 19

Anh Trần Xuân Phương, một chủ vườn hoa ở Mê Linh cho biết, gia đình anh đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.500 chậu hoa ly lùn cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Theo đánh giá của anh Phương: “Nhìn tổng quan, thị trường hoa năm nayvẫn ổn định. Hiện, gia đình tôi đang có sẵn 2 loại hoa chậu, chậu nhỏ trồng 5 cây, chậu to trồng khoảng 10 cây. Năm ngoái, chậu nhỏ bán 100.000đ, chậu to bán 200.000đ ”.

Theo nhận định của người trồng hoa, thời tiết tương đối thuận lợi nên vụ hoa Tết năm nay khả năng lớn sẽ được mùa, được giá.

Anh Phương cho biết, đến thời điểm này, thời tiết khá thuận lợi, hoa phát triển tốt. Tuy nhiên, giá vật tư, nhân công đều tăng từ 15-20%. Vì vậy, giá hoa sẽ tăng hơn so với mọi năm người trồng hoa mới có lãi.

 

“Hiện, giá bán buôn hoa cúc khoảng 3,5 - 4 nghìn đồng/bông, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán giá sẽ cao hơn. Nếu thời tiết ủng hộ, dịch bệnh không quay trở lại, giá cả ổn định thì Tết năm nay gia đình tôi không phải lo nghĩ về kinh tế”, anh Phương nói.

Một vấn đề hiện nay mà người trồng hoa không riêng gì ở huyện Mê Linh mà khắp nơi đều lo lắng là tình hình dịch Covid-19 chưa được ngăn chặn triệt để. Chính vì thế, đầu ra của hoa Tết cũng như các mối tiêu thụ sẽ gặp khó khăn.

Đầu ra của làng hoa Mê Linh hàng năm chủ yếu là các thương lái đến từ Hà Nội và các tỉnh tổ chức trang trí đường hoa, khu vui chơi dịp Tết.

Chị Hiền cho biết, đầu ra của hoa chủ yếu là thương lái đến từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ Anchiếm hơn 70%, số còn lại tiêu thụ tại tỉnh nhà, ngoài chợ hoa. Tuy nhiên, dịch bệnh khó lường như thế này thì đầu ra rất khó, vì lượng người đi mua sắm Tết sẽ giảm, hoa sẽ khó tiêu thụ, thương lái cũng không dám gom về…

"Thời điểm này, người trồng hoa ở Mê Linh chỉ hy vọng dịch bệnh đừng tái diễn, thời tiết thuận lợi để bà con có được một vụ hoa vui đón Tết vì đây là vụ hoa lớn nhất trong năm mà người trồng hoa nào cũng đầu tư hết vốn và kỳ vọng vào nó", chị Hiền cho hay.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm