Kinh doanh vàng miếng không còn như buôn rau
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH
Năm tài chính 2013 sắp kết thúc, ông đánh giá thế nào về công tác điều hành CSTT?
Đánh giá về công tác điều hành CSTT của NHNN trong năm 2013 tôi muốn nhấn mạnh mấy điểm cần ghi nhận.
Thứ nhất, nhìn tổng thể, CSTT trong thời gian vừa qua đã đạt yêu cầu về mục tiêu phục vụ ổn định vĩ mô. Ổn định vĩ mô ở đây bao gồm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, nâng dự trữ ngoại hối, giữ thị trường tiền tệ ổn định.
Thứ hai, các chính sách điều hành lãi suất của NHNN đã giải quyết được bài toán chạy đua lãi suất huy động tồn tại nhiều năm qua. Thực tế hiện nay, trần lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng quy định ở mức 7%/năm được xem như “ba-ri-e” cảnh giới. Bên cạnh đó, việc các NHTM nỗ lực để giảm lãi suất cho vay cũng rất đáng chú ý.
Thứ ba, thanh khoản hệ thống NHTM ổn định và không còn căng thẳng, được xem là điểm nổi bật trong điều hành CSTT của NHNN.
Điểm lớn cuối cùng, NHNN đã thiết lập được trật tự thị trường vàng. Kinh doanh vàng miếng không như buôn bán rau ngoài chợ. Vàng không còn được dùng làm phương tiện thanh toán phổ biến như trước đây. Và việc chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng được thi hành triệt để, kiên quyết và với thái độ kiên định từ phía NHNN, đã làm cho nguy cơ vàng hóa giao dịch ngoài xã hội được ngăn chặn.
Bất cứ chính sách nào, dù thực tế cho thấy là hiệu quả, cũng khó hoàn hảo. Vậy, theo ông còn những tồn tại nào cần lưu ý?
Theo tôi những tồn tại của CSTT đã kéo dài nhiều năm nên chưa thể giải quyết một sớm, một chiều. Bên cạnh đó, những kết quả chúng ta đạt được ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Do vậy, nếu bị ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài, hoặc do chủ quan trong điều hành, những vấn đề đã dẹp yên vẫn có thể bùng phát trở lại. Chẳng hạn như vấn đề dự trữ ngoại hối, mặc dù chúng ta đã nâng dự trữ ngoại tệ lên mức tương đương khoảng 11 – 12 tuần nhập khẩu nhưng cơ cấu nền kinh tế hiện nay chủ yếu là gia công, nếu tăng mức đầu tư công, tăng tín dụng lên thì vẫn còn những lo ngại nhập siêu sẽ trở lại.
Bên cạnh đó, một vấn đề mà một mình CSTT không giải quyết được mà cần sự phối hợp của các chính sách khác, trong đó có tài khóa. Tôi đã nhiều lần đề nghị nếu không giải quyết bài toán với phương trình 3 ẩn số là: cung tiền; tăng chi tiêu công; và điều chỉnh toàn bộ giá dịch vụ công thì vẫn có nguy cơ gây ra lạm phát.
Vấn đề nữa là tốc độ giải quyết nợ xấu hiện nay cũng gắn với sự nóng lạnh của thị trường bất động sản. Do đó, nếu thị trường này tiếp tục đóng băng thì xử lý nợ xấu sẽ khó khăn hơn. Cuối cùng, thị trường vàng đã đạt được “nước cờ” cơ bản trong chống vàng hóa, nhưng vẫn cần một số giải pháp bổ sung thêm.
Ông có thể hiến kế giải pháp cụ thể gì đối với quản lý thị trường vàng?
Hiện nay dư luận cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất đối với vấn đề quản lý thị trường vàng như: NHNN nên chuyển chức năng kinh doanh vàng cho thị trường, còn NHNN đứng ở vai trò nhà quản lý; hay có thể thành lập sàn giao dịch vàng Quốc gia.
Theo quan điểm của tôi thì có thể sử dụng hình thức quản lý vàng như quản lý ngoại tệ. Với người dân hiện nay có ngoại tệ vẫn được cất trữ, không được dùng để thanh toán, không được đưa đi nước ngoài nếu chưa chứng minh được mục đích sử dụng (đi công tác, đi học, chữa bệnh...), với vàng cũng vậy.
Ở nhiều nước trên thế giới, muốn mua vàng miếng người dân phải mang hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân để đơn vị bán hàng ghi rõ là ai mua. Ngân hàng bán vàng miếng cho ai cũng phải ghi đầy đủ ngày, tháng. Toàn bộ các điểm giao dịch vàng miếng này sau khi quyết toán phải báo cáo dữ liệu về NHTW để cơ quan quản lý biết được “dòng vàng” này đang luân chuyển thế nào.
Nếu thực hiện chính sách này, cơ quan quản lý “làm khó” người sở hữu vàng một chút. Đó là bên cạnh tín hiệu phát đi rằng không khuyến khích chuyện người dân cất trữ vàng, mua vàng, nhưng Nhà nước vẫn thừa nhận tài sản của họ. Và dần dần cùng với các giải pháp của Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định theo, người dân sẽ không tích trữ vàng nữa. Khi đó, vàng không còn thị trường và giống như ngoại tệ, chỉ giao dịch qua thương mại chứ không dùng trong giao dịch dân sự.
Ở các nước họ cũng hạn chế mua ngoại tệ bằng cách đưa mức chênh lệch giữa giá mua - bán ở mức rất cao. Nếu khi mua ngoại tệ dùng không hết bán lại thì chênh lệch lớn với giá mua. Tiểu xảo này là để hạn chế người mua ngoại tệ.
Ông có nói tới mối quan hệ giữa xử lý nợ xấu và thị trường bất động sản. Vậy làm thế nào để làm tan cả hai tảng băng này?
Chẳng hạn, một DN xây dựng BĐS đang đầu tư dự án nhà ở và đang có nợ quá hạn tại ngân hàng. Nhưng DN này đã đầu tư cho dự án và hoàn thành khoảng 70% tiến độ công trình thì ngân hàng có thể cho DN vay tiếp vốn để hoàn tất. Khi công trình hoàn thành, DN có sản phẩm bán ra thì DN mới trả được nợ cho ngân hàng. Còn trong trường hợp cụ thể này, nếu ngân hàng cứng nhắc viện dẫn là DN đang có nợ xấu nên không cho vay thì sẽ khó khăn cho cả ngân hàng và DN. Tôi gọi hình thức cho vay này là nuôi nợ để đòi nợ nên ngân hàng nên cân nhắc từng khách hàng để tiếp tục thực hiện.
Nghị quyết Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) là 5,8% và lạm phát 7%. Với mục tiêu trên, tăng trưởng tín dụng nên định hướng ở mức nào là phù hợp, thưa ông?
Tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2014 phải xung quanh mức 15% mới tháo gỡ được khó khăn. Mức này cũng không quá lớn với nền kinh tế, nhất là với nền kinh tế đang tái cấu trúc. Nếu không đạt mức này thì nền kinh tế khó phục hồi nhanh được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines