Kinh doanh

Hàng triệu nhân sự ngành du lịch, dịch vụ đi đâu, về đâu trong đại dịch Covid-19?

DNVN - Làn sóng Covid-19 thứ 2 như một cú knock-out vào ngành du lịch và công nghiệp không khói. Trong một nền kinh tế đang bị chững lại do dòng tiền luân chuyển kém, nhu cầu chi tiêu sụt giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt, hàng triệu nhân sự của ngành công nghiệp không khói đang không biết đi đâu, về đâu.

Công ty du lịch quá tải khi khách ào ào hủy, đổi tour đến Đà Nẵng / Mô hình farmstay: Du lịch nghỉ dưỡng hay hình thức biến tướng để chiếm đất rừng?

Nếu như đợt dịch Covid-19 thứ nhất vào tháng 3 được coi như cú đánh mạnh vào ngành du lịch, dịch vụ, thì đợt bùng phát dịch thứ hai này chính là một cú knock-out vào ngành du lịch, dịch vụ khiến cả ngành du lịch và các dịch vụ liên quan không thể gượng dậy được trong thời gian ngắn. Hàng nghìn công ty du lịch dừng hoạt động, hàng trăm khách sạn nhà hàng đóng cửa.

Ngày từ thời điểm tháng 3 và tháng 8, rất nhiều công ty du lịch Inbound (công ty kinh doanh lữ hành du lịch dành cho du khách từ nước ngoài đến thăm quan, khám phá quốc gia sở tại) - đã phải điều chỉnh lại chính sách lương và nhân sự của mình do nhận định không có khả năng có khách trong quý 2 và quý 3, thậm chí tới hết năm 2020. Quy mô nhân sự của những công ty từ 30 nhân viên đều thu gọn về trên dưới 10 người để đảm bảo được quỹ lương thưởng, trong đó những công ty nhỏ hơn lại dễ duy trì hơn với việc điều chỉnh lương và chế độ.

Các công ty chuyên khách nội địa lại có lợi thế khách Việt Nam dồi dào, với các chương trình kích cầu, rất nhiều công ty còn mở rộng kinh doanh, tuyển thêm nhân viên và dự báo một mùa hè rực rỡ nếu như đợt dịch thứ hai không ập đến.

Nhân viên ngành du lịch bị tác động ghê gớm khi làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại.

Nhân viên ngành du lịch, dịch vụ bị tác động ghê gớm khi làn sóng Covid-19 thứ 2 ập đến.

Nhưng rất nhiều công ty tiềm lực yếu đã đồng loạt đóng cửa vì nguồn khách Việt Nam sau tháng 9 mùa đi học của học sinh sẽ không còn nhiều, cộng thêm tâm lý lo lắng ngay cả khi đã kiểm soát được dịch bệnh sẽ khiến họ hạn chế trong việc di chuyển đi nếu không bắt buộc. Vậy là một lần nữa, hàng chục nghìn nhân viên ngành dịch vụ lại đối mặt với tương lai mờ mịt.

Chị Thu Hà, nhân viên kinh doanh tại Hà Nội của một resort 5 sao Đà Nẵng rất buồn cho biết thời điểm trước cô còn được 50% lương để khai thác nguồn khách Việt Nam và đang kỳ vọng vào tháng 7 và tháng 8 được hưởng 100% lương thì chỉ qua một tuần khi dịch bùng phát, resort đóng cửa, cô nhận quyết định nghỉ không lương và không hẹn ngày trở lại làm việc. Trong khi đó chồng cô, một nhân viên du lịch đã rất chật vật khi chuyển đổi từ làm du lịch inbound sang nội địa, khi bán được những khách đoàn lớn đầu tiên thì lại phải hoàn hủy toàn bộ dịch vụ và đối mặt với việc công ty đóng cửa vào giữa tháng 8. Gia đình hạt nhân trẻ với 2 con nhỏ, áp lực chi tiêu tối thiểu đang đè nặng lên đôi vai của họ, trong khi đó những hy vọng từ khoản hỗ trợ của chính phủ đối với họ lại quá xa vời.

Cũng khó khăn trước việc phải lựa chọn giữa việc tìm công việc khác tại thành phố hay về quê với gia đình sau bao nhiêu năm bám trụ, một nhân viên trong ngành du lịch khác là Thu Hằng cho biết cô mới trở lại thành phố từ tháng 5 khi khách du lịch bắt đầu tăng, nhưng nay đối mặt với việc thất nghiệp, cô không biết nên ở lại cố tìm một công việc mới hay về quê với gia đình bởi chi phí trên thành phố đắt đỏ, cộng với việc phải thuê nhà thì khoản dự phòng của cô cũng không thể trụ nổi quá 3 tháng.

Cùng với nhiều người bạn, cô đã gửi đi hàng trăm thư xin việc nhưng gần như không nhận được bất cứ hồi âm nào từ nhà tuyển dụng, nếu có hầu hết cũng chỉ là nhân viên kinh doanh của phòng tập gym, hay trung tâm giáo dục. Như rất nhiều người trẻ, lựa chọn du lịch làm công việc cho mình, Hằng đang đứng trước lựa chọn tìm một công việc tạm thời rồi quay trở lại làm du lịch hay chuyển ngành do nhận thức rõ được tính dễ bị tổn thương của ngành.

Câu chuyện của những nhân sự lớn tuổi trên 35 hay 40 tuổi còn đáng buồn hơn khi họ là những lực lượng lao động già, tính linh hoạt và thay đổi không thể so sánh với các bạn trẻ dưới 30. Chị Minh Hiếu, một nhân viên kỳ cựu làm việc đã gần 20 năm trong ngành cho biết chị cũng không thể chuyển công việc mới do không bên nào sẵn sàng tuyển dụng và đào tạo một nhân viên lớn tuổi như chị, và cũng lo ngại rằng chị sẽ không gắn bó với công việc mới mà chỉ làm trong thời gian ngắn, chờ du lịch phục hồi thì chị sẽ quay trở lại công việc cũ.

Trên các diễn đàn hội nhóm của ngành dịch vụ du lịch, mọi người đều đang hỏi nhau lối đi cho những ngày tháng tới nhưng chẳng có một câu trả lời nào khả thi, bởi chính các công ty du lịch, dịch vụ cũng chưa tìm được lối đi cho mình do e ngại về một nền kinh tế ảm đạm. Hàng triệu người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ đang rất mong chờ những chủ trương của Chính phủ về việc giải ngân các gói hỗ trợ ngắn hạn để họ có thể duy trì cuộc sống trong khi chờ ngành du lịch quay trở lại sau những tín hiệu tích cực về vacxin và thuốc điều trị chống nCov.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm