TP.HCM: Triển khai hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19
Tháng 8, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 50,5 tỷ USD / Lâm Đồng: Lưới điện quá tải nghiêm trọng do điện mặt trời
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm, có hơn 26.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với số vốn đăng ký gần 562.200 tỷ đồng (giảm 6,75% số lượng doanh nghiệp và tăng 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Hơn 88.700 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng gần 287.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 2,61 tỷ USD, giảm 32,08% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm trước.
TP.HCM tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong bối cảnh cả nước nói chung và thành phố nói riêng đang đối phó với dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp thì công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một điểm sáng tích cực, số vốn giải ngân lớn hơn gấp 2,35 lần so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân cũng tăng gấp 1,89 lần cùng kỳ.
Cụ thể, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 23/8 được Kho bạc Nhà nước thành phố xác nhận là 21.279,949 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao (42.139,316 tỷ đồng).
Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố (2.127,347 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 55,5% kế hoạch vốn đã giao. Về kim ngạch xuất khẩu của thành phô ước 8 tháng là 25 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết thêm, trong những tháng cuối năm, thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới hiện nay (gói hỗ trợ lần 2).
Đồng thời, triển khai hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn, tập huấn về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn lớn đa quốc gia, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Thu hút đầu tư có chọn lọc, xúc tiến thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng công nghệ cao và ít thâm dụng lao động, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp.
Mặt khác, chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo