Kinh hoàng “công nghệ” sản xuất giấy chùi miệng
Làng Phong Khê thuộc P.Phong Khê, TP.Bắc Ninh còn làng Phú Lâm thuộc xã Phú Lâm, H.Tiên Du, cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Trong vai một người đi nhập giấy ăn về phân phối cho các quán ăn trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi tiếp cận cơ sở của ông Đ. ở làng Phong Khê. Theo lời ông này, cơ sở của ông thuộc loại có tiếng ở làng, bình quân mỗi ngày sản xuất cả chục tấn giấy các loại.
“Cần tới 1,3 tấn giấy thải loại thì mới có thể tái chế được thành 1 tấn giấy ăn thành phẩm. Do vậy, để có đủ nguyên liệu đầu vào và cạnh tranh được với các cơ sở khác trong làng, bạn hàng cũng như thị trường thu gom giấy thải loại của tôi rải khắp trong Nam ngoài Bắc”, ông Đ. khoe.
Tiết lộ của người thu mua đồng nát
“Các anh đừng có tưởng giấy ở quán ăn, sau khi khách lau chùi, bám bẩn đen sì, ném dưới nền nhà là vứt đi đâu nhé. Chính loại giấy này dân Phong Khê và Phú Lâm mới kết, bởi vì bản thân chúng đã trắng sẵn rồi, quá trình tái chế đỡ tốn công, cũng như mất ít hóa chất hơn”, bà Trần Thị Loan (42 tuổi, ngụ tại thị trấn Chờ, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, chủ một cơ sở chuyên thu mua đồng nát, tiết lộ.
Theo bà Loan, thường thì những quán nhậu, cửa hàng ăn… cho không cánh đồng nát số giấy đã lau chùi. Tuy nhiên, sau khi thu gom, chúng sẽ được đem bán lại cho cơ sở của bà Loan với giá 1.000 – 1.500 đồng/kg. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe thồ, xe ba gác chở giấy thải đổ hành cho cơ sở bà Loan, trước khi chúng được gom thành kiện đưa tới các lò tái chế ở Phong Khê và Phúc Lâm.
Ông N., chủ một doanh nghiệp tái chế giấy lớn nhất nhì làng Phúc Lâm, cũng thừa nhận giấy ăn “made in Phúc Lâm” đều được tái chế từ nguồn giấy phế phẩm. Điều này khác hoàn toàn với loại giấy ăn sử dụng nguyên liệu từ các nguồn gỗ, tre, trúc.
Không chỉ lò của gia đình ông N., mà nhiều lò khác ở Phúc Lâm, quá trình tái chế giấy ăn cũng bỏ qua các bước nhằm tách tạp chất, bụi bẩn, khử hóa chất. Theo các chủ cơ sở, thực tế này bắt nguồn từ việc thiếu máy móc và để giảm chi phí trong sản xuất. Chính vì vậy, lò chứa bột giấy thải bao giờ cũng lẫn rất nhiều mực in, phẩm màu, tạp chất. Tuy nhiên, dù bột giấy có đen, hoặc phẩm màu đỏ quạch như cua gạch, tạp chất nhiều như mùn cưa… khi hòa thứ hóa chất hỗn hợp gồm xút, javen, bột giấy thải loại bỗng trắng phau. Và giấy ăn ra đời từ đây.
Quy trình sản xuất giấy cho phép việc sử dụng xút và javen.Tuy nhiên, nếu sản xuất từ nguyên liệu sạch như tre, nứa, gỗ và bột bả mía thì chỉ cần sử dụng một lượng rất nhỏ hóa chất javen và xút là ổn.Trong khi đó, ở Phong Khê và Phúc Lâm, loại hóa chất này đã bị các cơ sở tái chế giấy lạm dụng quá mức.
Chủ một lò tên Hoa ở Phong Khê phân tích: “Bình thường 1 tấn giấy phế phẩm trắng cũng phải mất 9kg hóa chất xút và 35 lít javen. Còn giấy viết, sách, giấy photo tài liệu… phải tốn 10 kg xút và 40 lít javen. Ở đây chẳng ai là không biết xút và javen độc hại với sức khỏe con người. Nhưng đã tái chế giấy thải thì bắt buộc phải dùng, giấy càng đen, càng bẩn, lượng xút và javen càng nhiều.
Vòng tuần hoàn của hóa chất cực độc
Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Huy Thịnh, công tác tại Viện Công Nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cảnh báo: Việc lạm dụng xút và javen nhằm tẩy trắng giấy phế phẩm sẽ sinh ra hóa chất tồn dư độc hại. “Lượng hóa chất tồn dư độc hại này còn được xả thẳng ra môi trường, khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm độc. Nguồn nước này lại tiếp tục được sử dụng trong quá trình tái chế giấy, khiến trong giấy ăn, giấy vệ sinh lẫn thêm nhiều chất độc hại. Khi con người tiếp xúc với loại giấy ăn nhiễm độc này thì vi khuẩn, tạp chất, hóa chất độc hại theo vòng tuần hoàn đi vào cơ thể người và gây ra các triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, chảy nước và ngứa trên da. Còn khi tiếp xúc lâu thì có thể mắc các loại bệnh về hệ hô hấp, bệnh về da và mắt”, TS Thịnh nói.
Theo PGS-TS Lê Văn Cát – Trưởng phòng Hóa môi trường thuộc Viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), việc sử dụng quá nhiều hóa chất và nguồn nước ô nhiễm khiến quá trình sản xuất giấy sẽ sinh ra chất hữu cơ clo trong không khí và sản phẩm. Điều này rất nguy hại vì chất hữu cơ clo chính là chất gây ung thư.
Ông Nguyễn Văn Bảy, nguyên trưởng xóm Hạ Giang (xã Phú Lâm) – người từng có hơn 9 năm mang đơn đi kiện các cơ sở, doanh nghiệp tái chế giấy do có hành vi xả thải khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng, bức xúc kể:“Nước thải từ lò giấy thấm ra tới đâu, lúa và hoa màu héo úa tới đó. Cả chục ki lô mét của sông Ngũ Huyện Khê chảy qua địa bàn huyện Yên Phong, Tiên Du và TP.Bắc Ninh giờ đã thành sông chết, không cá tôm nào có thể sống nổi”.
Theo chân ông Bảy đến bờ sông Ngũ Huyện Khê, chúng tôi cũng đã chứng kiến những miệng cống lớn được đấu nối với lò giấy để xả thẳng dòng nước thải nồng nặc hóa chất ra sông.
Bác Hoàng Đắc San – Trạm trưởng Trạm y tế P.Phú Lâm, cho biết: “Người dân làng nghề mắc các bệnh liên quan về đường hô hấp, bệnh ngoài da không đếm nổi. Số ca tử vong vì ung thư năm sau luôn tăng hơn năm trước. Từ năm 2012 – 2014, số ca tử vong do ung thư từ 10 -12 người”.
Môi trường “luôn ở mức nghiêm trọng”
Trong báo cáo “Đánh giá hiện trạng môi trường” của SởTài nguyên – Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã nêu: Những điểm lấy mẫu ô nhiễm đều thể hiện có các thông số COD, BODs, TTS, Fe, amoni vượt quy chuẩn V.N từ 5 lần trở lên.
Ông Lê Văn Tấn – Phó chủ tịch P.Phong Khê (TP.Bắc Ninh) cũng thừa nhận, môi trường Phong Khê trong nhiều năm qua luôn ở mức nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã thành lập tổ công tác liên ngành, bao gồm cả lực lượng công an tỉnh và công an TP nhằm kiểm soát hoạt động vận chuyển chất thải. Tuy nhiên, dù tổ chức công tác liên ngành này có lập chốt, kiểm soát thì trên thực tế, chúng tôi vẫn phát hiện các cơ sở ngang nhiên đốt lò, phả khói đen sì ngay giữa khu dân cư, nước thải lẫn hóa chất độc hại vẫn xả thẳng ra môi trường.
Để làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ làm việc với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bắc Ninh) nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ trực ban là lãnh đạo đi vắng.
“Khi con người tiếp xúc với loại giấy ăn nhiễm độc này thì vi khuẩn, tạp chất, hóa chất độc hại theo vòng tuần hoàn đi vào cơ thể người và gây ra các triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, chảy nước và ngứa trên da. Còn khi tiếp xúc lâu thì có thể mắc các loại bệnh về hô hấp, bệnh về da và mắt”.
PGS-TS Nguyễn Huy Thịnh
Người chùi miệng hít vi khuẩn độc
Theo PGS-TS Lê Văn Cát, trong quá trình tái chế giấy thải loại lại lạm dụng liều lượng hóa chất, sử dụng nguồn nước ô nhiễm trầm trọng nên phát sinh vi khuẩn khẩn E.coli, chất formaldehyde. Khi hít phải E.coli, formaldehyde với liều lượng lớn và trong thời gian dài sẽ gây tiêu chảy, các bệnh về nhiễm trùng máu, suy thận, hoặc các căn bệnh liên quan tới ung thư. Ngoài ra, người tiêu dùng khi bị nhiễm chất hữu cơ clo sinh ra trong quá trình tái chế giấy cũng có thể bị mắc các loại bệnh về ung thư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo