Kinh tế 5 năm tới: Từ GDP đến chuyện “nói và làm”
Với chỉ thị vừa được Thủ tướng ban hành, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 đã bắt đầu được khởi động.
5 năm về trước, ở chỉ thị về xây dựng kế hoạch cho giai đoạn hiện tại (2011-2015), dòng đầu tiên của mục tiêu tổng quát là phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững.
Nay, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu, liền đó là kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Ưu tiên đã thay đổi, song mức phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 vẫn là 6,5 - 7%/năm, vừa bằng chỉ tiêu được chốt tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.
Và, cho dù chưa đến chặng đường cuối cùng, song cũng đã có thể nhìn thấy đây là đích đến khá xa vời.
Bởi, đã liền ba năm 2011 - 2013, con số 6,5% cho GDP chưa một lần xuất hiện. Nếu theo giá so sánh năm 2010 thì bình quân 3 năm 2011 - 2013 GDP là 5,63%, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn con số GDP dự kiến cho 2014 là 5,8% cũng đã và đang nằm trong sự hoài nghi lớn của một số chuyên gia kinh tế.
Cuối 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 - 2015 tăng 5,8% (theo giá so sánh năm 2010).
Như vậy, cơ sở để đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân cho 5 năm tới là 6,5 -7%/năm có lẽ cần thêm lời giải đáp. Nhất là khi kết quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế được cơ quan chuyên môn của Quốc hội đánh giá là chậm so với yêu cầu, các giải pháp thực hiện vẫn mang tính hành chính và ở khung cơ chế, chưa có những thay đổi mang tính đột phá. Đó là nói chuyện GDP của quốc gia.
Còn với địa phương, như VnEconomy đã phản ánh tại hội nghị toàn ngành kế hoạch và đầu tư ngày 7/8 vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh rằng “cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay là không xác thực, và so với quốc tế thì không giống ai cả”.
Ban hành hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặc biệt lưu ý các địa phương về GRDP - tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu sử dụng số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố cho giai đoạn 2011 - 2013. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thống kê rà soát, ước thực hiện 2014, dự kiến 2015 và ước thực hiện cả giai đoạn 2011 - 2015, làm căn cứ xây dựng kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, bản hướng dẫn nêu rõ.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng phát đi một số quan điểm phát triển lớn trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới mà theo ông thì các bộ, ngành, địa phương “cần quán triệt”.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, tăng cường dân chủ, trước hết là dân chủ trong hoạt động kinh tế… là những nội dung nằm trong phần này.
Về mặt lý thuyết, có lẽ không có gì phải bàn cãi nhiều với các quan điểm mang tính nguyên tắc, đã được nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu đặt trong những bước đi còn không ít ngập ngừng của cải cách thể chế kinh tế, thì vẫn còn nhiều điều phải suy nghĩ.
Chỉ lấy ví dụ một câu chuyện liên quan đến dân chủ trong hoạt động kinh tế đang rất thời sự, khi việc sửa hai dự án Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Quá trình thảo luận hai dự án luật này, quyền được tự do kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm của công dân đã được hiến định luôn luôn được đề cao.
Thế nhưng, cho đến tận phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào trung tuần tháng 8 vừa qua, danh mục cấm đầu tư, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện vẫn chưa thể trình để xem xét.
Mà nguyên nhân chính, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là do “chờ mãi không có bộ nào trả lời”, dù cho cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành rà soát từ mấy tháng trước. Thậm chí, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo.
Và như thế, việc công khai, minh bạch các ngành nghề cấm kinh doanh, cấm đầu tư - bước đi quan trọng để thực hiện dân chủ trong hoạt động kinh tế - vẫn “rất cam go”, như lời than thở của Bộ trưởng Vinh.
Có lẽ vì thế mà đã không ít lần, khi tham vấn chuyên gia về cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam, ông Vinh đã dự liệu, đổi mới tư duy quan điểm phát triển nói thì dễ, nhưng làm thì không đơn giản chút một nào.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo