Kinh tế khó, ông Táo không có xe hơi về trời
Theo truyền thống người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo quân về trời dâng tấu Ngọc Hoàng việc bếp núc, làm ăn của các gia đình dưới hạ giới trong năm cũ. Ngày này, người dân sắm áo mũ mới (hàng mã) và cá chép để làm lễ đưa ông Công, ông Táo về trời, với mong muốn gia đình an khang, thịnh vượng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ở khu chợ Gò vấp (đường Nguyễn Văn Nghi, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM), nhiều mặt hàng được bày bán nhưng lượng người mua lại rất thưa thớt.
Trong đó, những mặt hàng như cá chép vàng, cá tam dương, các loại vật dùng mũ áo, xe hơi, nhà lầu, các loại đồ trang trí được bày bán ở nhiều quầy hàng nhưng người bán cũng chỉ than ế ẩm.
Không riêng gì chợ Gò Vấp, mà nhiều khu chợ như chợ Phú Lâm (quận 6), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Tân Bình (quận Tân Bình) và một số khu chợ nhỏ ở quận Thủ Đức, hàng bán đồ ông Táo lên trời cũng rơi vào tình trạng ít khách mua.
Các tiểu thương cho biết, sức mua trước và trong ngày tiễn ông Táo đều rất thưa thớt. Theo chị Nguyễn Thị Hiền, một thương lái tại chợ Gò Vấp cho biết, năm nay, giá của các loại đồ cúng ông Táo lên trời và nhiều đồ trang trí đều cao hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, người mua lại ít và thường chỉ mua với số lượng nhỏ lẻ, bình dân, "nhà nghèo". Các điểm bán lẻ cũng nhận về số lượng hàng ít hơn so với năm ngoái.
Cá chép vàng năm nay có giá từ 120.000 – 200.000/1kg. Tuy nhiên, khách mua rất thưa thớt, thường mua nhỏ lẻ vài ba con.
Theo một thương buôn tại chợ Phú Lâm, nguyên nhân năm nay khách mua ít do kinh tế khó khăn nên người dân đã giảm tối đa việc vung tiền cho hàng hàng mã, sức mua chủ yếu tập trung ở các mặt hàng bình dân. Mặt khác, giá của nhiều mặt hàng cao hơn so với những năm trước; đồng thời năm nay có thêm một số loại hàng nhập ngoại, trong đó phần lớn là hàng từ Trung Quốc, có giá rẻ hơn nên cũng ảnh hưởng đến sức mua trong nước.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo