Kinh tế Nga bắt đầu “ngấm đòn” khủng hoảng Ukraine
Chính phủ Nga đã lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận rằng, nền kinh tế nước này đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Cùng với đó, Mỹ và châu Âu đồng loạt công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow.
Hãng tin Reuters cho biết, hiện thị trường tài chính Nga đang chờ xem Mỹ và châu Âu sẽ còn áp dụng các lệnh trừng phạt khắc nghiệt tới mức nào. Trong mấy tuần gần đây, Nga đã mất nhiều tỷ USD tiền quốc gia và tiền doanh nghiệp do giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng ở Crimea.
Mỹ và EU tuyên bố trừng phạt Nga
Hôm qua (17/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh công nhận Crimea là một quốc gia có chủ quyền riêng. Trước đó cùng ngày, Crimea tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và gấp rút nộp đơn xin gia nhập Nga “với tư cách một chủ thể mới có địa vị nước cộng hòa”.
Phản ứng trước những diễn biến mới ở Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã áp lệnh trừng phạt cá nhân với các quan chức Nga và Crimea. Trong đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trừng phạt đối với 11 người Nga và Ukraine bị cáo buộc chiếm Crimea, bao gồm Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych, và hai trợ lý của ông Putin - Vladislav Surkov và Sergei Glazyev. Tổng thống Putin hiện chưa có trong danh sách này, nhưng Nhà Trắng không loại trừ khả năng sẽ đưa người đứng đầu điện Kremlin vào diện bị trừng phạt trong thời gian tới.
Trong cuộc họp diễn ra trong ngày hôm qua tại Brussels, Bỉ, ngoại trưởng 28 quốc gia EU đã nhất trí đưa 21 quan chức Nga và Ukraine và diện bị hạn chế visa và đóng băng tài sản do vai trò của họ trong các diễn biến ở Crimea. Trong số này có 3 tư lệnh quân đội Nga ở Crimea và các khu vực gần biên giới với Ukraine.
Chỉ có 3 nhân vật nằm trong danh sách trừng phạt lần này của cả Mỹ và châu Âu, bao gồm Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov, Chủ tịch Quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov, và Leonid Slutski - Chủ tịch Ủy ban Thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS) do Nga đứng đầu thuộc viện Duma. EU đã trừng phạt Tổng thống bị phế truất Yanukovych từ đầu tháng này.
Danh sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào những quan chức cấp cao của Nga gần gũi với ông Putin, bao gồm cả một Phó thủ tướng. Trong khi đó, EU trừng phạt các quan chức tầm trung, những người có thể liên quan trực tiếp nhiều hơn tới các diễn biến trên thực tế.
Trở lại với vấn đề kinh tế Nga, trong mấy tuần qua, một số quan chức nước này đã nói rằng, cuộc đối đầu giữa Moscow với phương Tây về Ukraine có thể sẽ “gây sức ép lên nền kinh tế”. Hôm qua, dù không phát biểu trực diện về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Crimea tới kinh tế Nga, Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này Sergei Belyakov thừa nhận nền kinh tế đang gặp vấn đề.
“Tình hình kinh tế hiện nay cho thấy những dấu hiệu rõ nét của một cuộc khủng hoảng”, ông Belyakov phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh.
Nguy cơ suy thoái
“Người ta sợ nhất là các lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt sẽ được phản ánh vào hệ thống tài chính, nền kinh tế, thị trường, và các công ty lớn nhất của Nga”, ông Konstantin Chernyshev, Giám đốc nghiên cứu của công ty tài chính Uralsib ở Moscow, nhận định.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Nga sẽ rơi vào suy thoái và đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng nền kinh tế này trong bối cảnh cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga với phương Tây thời hậu Chiến tranh lạnh.
“Nhu cầu nội địa sẽ ngưng trệ do cú sốc bất ổn và các điều kiện tài chính thắt chặt, có khả năng đẩy nền kinh tế mà một cuộc suy thoái trong quý 2 và 3/2014”, các chuyên gia thuộc công ty VTB Capital nhận định trong một báo cáo ngày 17/3. “Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng kinh tế Nga cả năm nay là 0%. Nếu bất ổn gia tăng trong thời gian kéo dài và/hoặc các lệnh trừng phạt mạnh được áp dụng, rủi ro suy giảm tăng trưởng sẽ càng lớn hơn”.
Trong dự báo mới nhất được đưa ra trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, Bộ Kinh tế Nga dự báo, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay.
Kể từ khi Tổng thống Putin tuyên bố hôm 3/3 rằng Nga có quyền đưa quân vào Ukraine để bảo vệ người nói tiếng Nga, các nhà kinh tế đã cảnh báo cái giá mà Moscow phải trả cho những quyết định của mình sẽ không nhỏ. Từ đó đến nay, chỉ số Micex của thị trường chứng khoán Nga đã mất hơn 66 tỷ USD giá trị vốn hóa và Ngân hàng Trung ương nước này phải chi hơn 16 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp. Chỉ riêng trong tuần trước, hai chỉ số Micex và RTS của chứng khoán Nga “bốc hơi” tương ứng 7,6% và 8%.
Giới phân tích nhận định, chỉ trong vòng một vài tuần, Nga - từ chỗ được xem là một trong những thị trường mới nổi có độ vững vàng cao hơn trước việc Mỹ cắt giảm gói kích thích QE3 - đã trở thành một trong những quốc gia mới nổi có mức độ dễ bị tổn thương cao nhất.
Các dòng vốn đã chạy khỏi Nga từ đầu năm nay. Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin và nhiều chuyên gia cho rằng, trong quý 1, mức thoái vốn khỏi Nga lên tới 50 tỷ USD, so với mức rút 63 tỷ USD trong cả năm 2013. Từ đầu năm đến nay, đồng Rúp đã mất giá 11% so với đồng USD và liên tục lập mức thấp kỷ lục mới.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố sẽ hỗ trợ ổn định cho thị trường tài chính. Trước đó, vào đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Nga đã bất ngờ tăng lãi suất 150 điểm cơ bản để nâng đỡ tỷ giá đồng Rúp.
Reuters nói rằng, với dự trữ vàng và ngoại tệ trong top đầu thế giới, ở mức khoảng 494 tỷ USD, Ngân hàng Trung ương Nga có khả năng hành động tốt. Tuy nhiên, nếu tình hình Ukraine tiếp tục leo thang, dự trữ này có thể bị “đốt” chóng vánh.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo