Kinh tế quý I/2013: Sản xuất vẫn gặp khó
Khó khăn, trì trệ, hàng tồn kho đã đeo đẳng doanh nghiệp suốt cả năm 2012, đến 3 tháng nay vẫn chưa được cải thiện, khiến doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng dồi dào thanh khoản cũng không thể cho vay.
Sức mua thấp gây khó cho sản xuất
“Kinh tế 3 tháng đầu năm 2013 có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I ước đạt 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn cả mức tăng 4,75% của quý I/2012 so với quý I/2011. Nông nghiệp, dịch vụ cơ bản tăng trưởng ổn định”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ KH&ĐT) Bùi Hà cho biết.
“Tình hình tín dụng cũng thể hiện xu hướng đồng thuận tích cực với tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Tín dụng cho nền kinh tế tính đến 21/3/2013 đã tăng trưởng dương trong khi ở tháng 3/2012 giảm 0,92% so với tháng 12/2012. Tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 3%”, ông Phạm Xuân Hòe – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN bổ sung. Nhưng cũng theo ông Hà “nền kinh tế còn không ít khó khăn, nhất là trong khu vực công nghiệp và DN. Số DN ngừng sản xuất suýt soát số DN thành lập mới”.
Tình hình khó khăn của sản xuất, của DN, tình trạng cầu yếu vẫn tiếp tục được thể hiện trong báo cáo của Bộ KH&ĐT. Quý I/2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012, nhiều ngành khai thác và chế biến chế tạo có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với quý I/2012. Chỉ riêng ngành điện có chỉ số sản xuất tăng cao hơn ngành khác nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2012.
Nguyên nhân do sản xuất của nền kinh tế suy giảm nên nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất thấp. Sản xuất nông nghiệp cũng tăng thấp. Đặc biệt tình hình ngành thủy sản rất khó khăn do các DN, các hộ nuôi cá tra thua lỗ kéo dài, giá bán thấp nhưng chi phí nguyên liệu đầu vào cao, nhiều DN hoạt động cầm chừng, nhiều DN đã phá sản.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế sụt giảm, thu nhập của người lao động bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tăng, người dân thắt chặt chi tiêu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua. Tổng mức bán lẻ dịch vụ quý I/2013 ước tăng 11,7% nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,5%, thấp hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ 2012. Chỉ số giá tháng 3 năm nay cũng giảm 0,19% so với tháng 2, chủ yếu cũng do tổng cầu giảm sút.
DN yếu không đủ sức vay vốn ngân hàng
Ông Nguyễn Thanh Long - Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hải Phòng đã báo cáo tình hình sản xuất của thành phố một cách “đáng ngạc nhiên”: là một thành phố công nghiệp nhưng chỉ số IIP rất thấp, chỉ tăng 1,75% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều dự án lớn không phát huy được, có nhà máy lớn như Nhà máy Sơ sợi Đình Vũ đã 3 tháng không ra sản phẩm, ngành đóng tàu biển và sản xuất thép 3 tháng qua hầu như không sản xuất.
Ông Trịnh Hữu Thắng - Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Giang cũng nêu rõ thực trạng khó khăn ở tỉnh khi sản xuất kinh doanh tăng trưởng âm, hàng tồn kho lớn. “Tồn kho lớn chủ yếu ở ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Chúng tôi đến cơ sở nào cũng thấy đầy hàng tồn kho”, ông Thắng phát biểu.
Khó khăn, trì trệ, hàng tồn kho đã đeo đẳng DN suốt cả năm 2012, đến 3 tháng nay vẫn chưa được cải thiện, khiến DN thiếu vốn, ngân hàng dồi dào thanh khoản cũng không thể cho vay. Ngay ở địa bàn Hà Nội, hàng nghìn DN cũng rơi vào tình trạng yếu, không còn đủ sức vay vốn ngân hàng như DN đã phản ánh trong buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội cuối tuần qua.
Còn phía ngân hàng cũng không thể cho vay ồ ạt trong bối cảnh nợ xấu đang tăng cao như ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội, Chủ tịch NHTMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) phát biểu. Vì vậy dòng tín dụng vẫn nghẽn và DN ngày một yếu ớt hơn.
“Giải quyết nợ xấu và tồn kho không thể xong trong ngày một, ngày hai. Nhưng nếu không tháo được 2 nút thắt này thì dòng tín dụng vẫn nghẽn”, ông Hòe phát biểu. Trước những bức thiết của DN, trước nhiệm vụ góp phần khôi phục kinh tế, theo ông Hòe: Lúc này không thể chỉ trông ở phía ngân hàng.
Trong khi đó, nếu các quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động tốt, DN sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận được vốn ngân hàng nhanh hơn. Nhưng tiếc rằng, chủ trương, giải pháp này đã có từ lâu và đã liên tục được đề cập đến trong các buổi họp bàn tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng đến nay quỹ này vẫn chỉ là “giải pháp tốt” về chính sách, còn trên thực tế ở cả 63 tỉnh, thành cả nước mới chỉ có loáng thoáng vài quỹ.
Minh Trí
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo