Kinh tế số

Cần thúc đẩy khung pháp lý về tài sản ảo

DNVN - Theo ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc ban hành một khung pháp lý phù hợp sẽ giúp Việt Nam chuyển hóa giá trị của tài sản ảo và nhà cung cấp tài sản ảo (VA-VASP) từ “kinh tế ngầm” sang nền kinh tế chính thức. Giúp bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ chính sách thuế, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Nghệ An: Hám khối tài sản ảo chôn dưới đất, hai cha con sập bẫy thầy bói rởm / Chính sách mới quản lý game online: Bỏ cấp phép dịch vụ G1, cấm mua bán tài sản ảo

Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, hiện nay có 5 xu hướng ứng dụng công nghệ blockchain nổi bật. Đó là quỹ hoán đổi danh mục đầu tư Bitcoin giao ngay (Spot Bitcoin ETF), Token hóa tài sản thực (RWA), tài chính phi tập trung (DeFi), metaverse (vũ trụ ảo) kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy khung pháp lý tài sản ảo và nhà cung cấp tài sản ảo (VA-VASP) toàn cầu.

Trong đó, xu hướng thúc đẩy khung pháp lý VA-VASP toàn cầu đang được đẩy mạnh theo hướng tích cực. Theo nghiên cứu mới nhất tại 60 quốc gia của Hội đồng Đại Tây Dương (AC), đến tháng 12/2023, đã có 32/60 quốc gia coi rằng tài sản ảo là hợp pháp. Nghiên cứu cũng chỉ ra 19 quốc gia cấm một phần và chỉ 8 quốc gia cấm toàn bộ.

Thị trường Việt Nam có mức độ chấp nhận cao và sự cởi mở của lao động trẻ đối với tiền mã hoá ở mức độ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả ứng dụng lại chưa tương xứng và vẫn còn thiếu hụt hành lang pháp lý quản lý VA-VASP.

Công ty phân tích dữ liệu blockchain Chainalysis cho biết, từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023, có 120 tỷ USD chảy vào Việt Nam thông qua tài sản mã hóa. Con số này gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD tổng số vốn FDI. Thậm chí vượt cả Thái Lan, dù nền "kinh tế ngầm" tại đây chiếm 40% tổng GDP.

Tuy nhiên, trái ngược với mức độ chấp nhận tiền mã hoá, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ blockchain ở diện rộng vẫn đang là một bài toán khó ở Việt Nam.

Xu hướng thúc đẩy khung pháp lý VA-VASP toàn cầu đang được đẩy mạnh theo hướng tích cực.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, thông qua 2 hội thảo lớn về phòng chống rửa tiền qua giao dịch tiền mã hoá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại cho biết, họ có quan tâm, nghiên cứu hoặc thử nghiệm hệ thống thanh toán ứng dụng Blockchain. Tuy nhiên, các ngân hàng đều đã dừng nghiên cứu, thử nghiệm do chi phí hơn thanh toán phương thức truyền thống.

Lý do là các ngân hàng này chủ yếu hoạt động trong nội địa chứ chưa mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực, toàn cầu khiến cho vai trò xuyên biên giới của Blockchain chưa phát huy được. Nhìn rộng hơn, thực tế cho thấy Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp lớn để ứng dụng công nghệ này.

Ngoài ra, tại Việt Nam, chính sách quản lý VA - VASP chưa có. Chính phủ đang quyết liệt yêu cầu chính sách này phải được hoàn thiện trước tháng 5/2025.

“Ở góc độ tích cực, việc ban hành một khung pháp lý phù hợp sẽ giúp Việt Nam chuyển hóa giá trị của VA-VASP từ “kinh tế ngầm” sang nền kinh tế chính thức, giúp bảo vệ người tiêu dùng. Qua đó, hỗ trợ chính sách thuế, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Đồng thời, giúp giải bài toán về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác đều khó khăn nhưng dòng tiền đổ qua tài sản mã hóa về Việt Nam cao gấp 5 lần vốn FDI”, ông Trung nói.

Ông Trung nhấn mạnh, hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc yêu cầu ban hành khung pháp lý quản lý VA-VASP cùng với Chiến lược Blockchain Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chuẩn bị được ban hành được kỳ vọng sẽ là cơ sở giúp Việt Nam mở rộng cửa đón nhận những cơ hội đóng góp của VASP vào nền kinh tế chính thức và mạnh mẽ hơn.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm