Chuyển đổi số

Chính sách mới quản lý game online: Bỏ cấp phép dịch vụ G1, cấm mua bán tài sản ảo

DNVN - Trong dự thảo Nghị định mới, Bộ TT&TT đề xuất bãi bỏ quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1; quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4. Nghị định mới cũng ra quy định không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.

6 mặt hàng sốt nhất mùa dịch: Bao cao su, webcam, máy chơi game, vitamin C / Đại dịch Covid-19: Điện ảnh, thể thao đối mặt với Ngày tận thế, song dịch vụ phát trực tuyến và game online có cơ hội bùng nổ

Hiện nay, Bộ TT&TT đang trong quá trình lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý thông tin trên mạng Internet (Dự thảo).

Đối với lĩnh vực cấp phép và quản lý trò chơi điện tử trên mạng, Dự thảo được xây dựng theo hướng giảm bớt các quy trình, thủ tục cấp phép, đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép và ưu tiên phát triển game Việt, đặc biệt là game giáo dục. Không cho phép việc mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa người chơi với nhau.

Bỏ cấp Giấy phép để ngăn chặn tình trạng trục lợi

Dự thảo sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đề xuất bãi bỏ quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1; quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4; đồng thời bổ sung quy định về việc thu hồi Giấy phép phát hành game G1, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký phát hành trò chơi G2, G3, G4 trong trường hợp 12 tháng sau khi được cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận, doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ.

Các đề xuất trên nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, điều kiện cấp phép, rút ngắn thời gian cấp phép cho doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực đồng thời cũng giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung vào quản lý nội dung đối với từng game được phát hành.

Bởi thực tế thời gian qua, qua quá trình rà soát, cơ quan quản lý nhận thấy có tình trạng doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy phép G1 không đủ năng lực, tài chính nhân sự để triển khai cung cấp dịch vụ trên thực tế; Có một số doanh nghiệp lợi dụng Giấy phép G1 đã được cấp để quảng cáo như một thứ tài sản mà doanh nghiệp tự định giá hàng chục cho đến hàng trăm tỷ đồng để kêu gọi đầu tư hoặc bán cổ phần công ty dưới dạng bán hàng đa cấp (trong số đó có những trường hợp có yếu tố lừa đảo); cũng có trường hợp doanh nghiệp rao bán lại giấy phép G1 cho công ty khác (chủ yếu các công ty có yếu tố nước ngoài) để kiếm hàng tỷ đồng.

Như vậy, với việc cấp Giấy phép G1 không gắn với việc để phát hành từng game dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như tăng thủ tục hành chính với các doanh nghiệp phát hành game.

Ngoài ra, các điều kiện và thành phần hồ sơ cấp phép Giấy phép G1 và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản game G1 có nhiều nội dung phải báo cáo lặp lại như: hệ thống kỹ thuật, hệ thống máy chủ, hình thức thanh toán, biện pháp quản lý người chơi...dẫn đến tăng chi phí, công sức chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp và thời gian thẩm định của cơ quan quản lý.

Bộ TT&TT đề xuất nhiều chính sách mới quản lý game online. Nguồn ảnh: Internet

Bộ TT&TT đề xuất nhiều chính sách mới quản lý game online. Nguồn ảnh: Internet

Thúc đẩy phát triển, phổ biến game giáo dục

Từ thực tế hiện nay, hơn 90% game được thẩm định và phát hành tại thị trường Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó nội dung game chủ yếu là game kiếm hiệp, game có cốt truyện lịch sử Trung Quốc, do đó dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung quy định khuyến khích phát hành game giáo dục, với các quy định cụ thể như: Quy định doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử phải xây dựng kế hoạch sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trên mạng có nội dung giáo dục về kiến thức tự nhiên, xã hội; về văn hóa, lịch sử Việt Nam… Bảo đảm đạt tỷ lệ ít nhất 10% trong số game đang phát hành (từ 10 game trở lên); bổ sung quy định về ưu tiên cho phép phát hành thử nghiệm các game giáo dục (do Việt Nam sản xuất) để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Không cho phép mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng

Dự thảo sửa đổi Nghị định bổ sung đã bổ sung những quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng:

Doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử có nghĩa vụ quản lý vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng quy tắc trò chơi đã công bố và phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi đã được phê duyệt, cấp phép. Không được gắn chương trình khuyến mãi có thưởng vào trong các trò chơi điện tử.

Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định mới cũng đề ra quy định không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.

Đồng thời, Dự thảo yêu cầu những quy định chặt chẽ hơn với người chơi: Khi tạo tài khoản sử dụng trò chơi điện tử G1, người chơi phải cung cấp những thông tin cá nhân như họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ đăng ký thường trú; số Chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký.

Game nước ngoài thống lĩnh 87% thị trường game Việt

Theo thống kê của Bộ TT&TT, gần 87% trò chơi điện tử trên mạng phát hành hợp pháp tại Việt Nam có xuất xứ nước ngoài, 69% trong đó là từ Trung Quốc.

Ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng ở nước ta hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành game cho nước ngoài và từ đó hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận.

Đáng chú ý khi chỉ 23% doanh nghiệp được cấp Giấy phép G1 có hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi G1. Đây là các tựa game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp cung cấp.

Theo Bộ TT&TT, một số doanh nghiệp chỉ lợi dụng việc có giấy phép G1 để xuất trình cho doanh nghiệp viễn thông và đơn vị thanh toán nhằm phát hành game không phép. Vụ Rikvip của Công ty CNC là trường hợp điển hình.

Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các game không phép phát hành qua 2 kho ứng dụng Apple Store và CH Play.

Theo khảo sát sơ bộ của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), doanh thu từ game lậu chiếm 30% doanh thu toàn thị trường game Việt Nam.

Thực tế này cho thấy, những năm gần đây, thị trường game Việt Nam đã bị thiệt hại lớn bởi các tựa game không phép phát hành qua các kho ứng dụng dùng trên di động.

Game lậu phát hành qua hai chợ ứng dụng

Các kho ứng dụng là hình thức tiếp thị và phân phối ứng dụng hiệu quả nhất. Theo báo cáo tháng 1/2019 của We Are Social, trong năm 2018, có 2.739 tỷ ứng dụng trên điện thoại được tải qua các kho ứng dụng tại Việt Nam, chủ yếu trên 2 “chợ” ứng dụng CH Play và AppStore.

Doanh thu từ việc tải xuống các ứng dụng này ước khoảng 161 triệu USD. Top 10 các ứng dụng được tải nhiều nhất chủ yếu là game, các mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, ứng dụng chiếu phim Netflix… Điều này cho thấy các ứng dụng được tải và quan tâm nhất hiện nay chủ yếu là các dịch vụ nội dung.

Báo cáo của Q&Me cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 4/2020, xu hướng tải ứng dụng di động ở thị trường Việt Nam cho thấy, Top 5 ứng dụng được tải nhiều nhất trên iPhone có Zoom, NCOVI, TikTok, Microsoft Teams, Save The Girl!, trên Android có Zoom, NCOVI, TikTok, Perfect Cream, Garena Free Fire. Sự góp mặt của hai game online Save The Girl!, Garena Free Fire trong Top 5 các ứng dụng tải nhiều nhất ở Việt Nam cho thấy sức hút của game online với thị trường rất lớn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trách nhiệm của các kho phân phối ứng dụng còn chưa được quy định cụ thể. Trên 2 kho ứng dụng của Google và Apple có nhiều ứng dụng chưa phù hợp quy định pháp luật Việt Nam, trong đó có cả các tựa game không phép.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng để game lậu vượt qua hàng rào quản lý, vẫn thu phí người chơi tại Việt Nam là nhờ các hình thức thanh toán đa dạng.

Thực tế cho thấy, người chơi có thể dễ dàng trả phí cho nhà phát hành ứng dụng thông qua các dịch vụ ngân hàng (thẻ tín dụng, ATM), các ví điện tử, tài khoản viễn thông và qua các cổng trung gian thanh toán đang được kết nối trên các kho ứng dụng.

Nhiều đơn vị trung gian thanh toán không thực hiện việc rà quét, sàng lọc để đảm bảo chỉ các ứng dụng/game hợp pháp mới được thanh toán. Điều này đã khiến công tác quản lý và ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm