Chuyển đổi số: Sôi nổi với “cuộc đua” phủ sóng 5G
Phát triển hợp đồng điện tử an toàn: Thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số / Doanh nghiệp ứng dụng AI để thoát khỏi 'vùng an toàn'
Mới đây, Viettel bắt đầu thương mại hóa 5G trên diện rộng. Đây cũng là nhà mạng đầu tiên thực hiện điều này tại Việt Nam, mở ra một cuộc cạnh tranh mới không kém phần quyết liệt trên thị trường viễn thông di động giữa các nhà mạng. Trước đó, khi khai trương Mạng 5G Viettel đã có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, trường đại học…
Theo đánh giá tốc độ mạng 5G Viettel có thể gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Công nghệ mạng này được triển khai đồng thời trên cả nền tảng kiến trúc 5G NSA và 5G SA.
Viettel là doanh nghiệp hàng đầu trong phát triển hạ tầng số do vậy việc tiên phong phủ sóng mạng 5G không gây bất ngờ nhưng chính những bước đi nhanh chóng của Viettel đã trở thành đòn bẩy để các nhà mạng khác tích cực hơn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Theo đó, ngay lập tức, VNPT/VinaPhone đã đưa ra chương trình trải nghiệm dịch vụ 5G từ ngày 13/10 đến 15/11/2024, trải nghiệm dịch vụ siêu tốc miễn phí và gửi thông báo đến khách hàng. Không nằm ngoài “cuộc đua”, MobiFone cũng thông báo mời khách hàng trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11-2024…
Không khí sôi nổi này mở ra một triển vọng về việc Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các quốc gia tiên phong trên thế giới trong triển khai rộng rãi mạng 5G.
Theo Quyết định số 1110/QĐ-BTTTT ngày 02/7/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt Kế hoạch nâng cao chất lượng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là: Triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G với 100% các tỉnh, thành phố có sóng dịch vụ 5G. 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có sóng dịch vụ 5G.
Việc triển khai hiệu quả dịch vụ 5G sẽ cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng công nghệ số trong quá trình chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời là một trong những nhân tố tích cực thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022. Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi sốtại đây. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo