Kinh tế số

Doanh nghiệp ứng dụng AI để thoát khỏi 'vùng an toàn'

DNVN – Theo ông Lê Hồng Việt - Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp Việt có thể thoát khỏi vùng an toàn, khai phá những lĩnh vực kinh doanh mới nhờ ứng dụng AI.

Chỉ thị số 34/CT-TTg: Chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt / Ấn tượng top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam năm 2024

Tiềm năng phát triển bền vững

Tại hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới - Doanh nghiệp phải làm gì?" ngày 18/10 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển kinh tế vượt bậc. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,5% giai đoạn 2025-2030, lạm phát được kiểm soát và thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể. Điều này giúp Việt Nam có GDP thuộc nhóm cao nhất ASEAN.

Việc hội nhập quốc tế sâu rộng với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia hàng đầu thế giới đã đưa vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng nâng cao. Việt Nam cũng tận dụng vị trí địa lý thuận lợi để phát triển thương mại và đầu tư. Sự quyết tâm của Chính phủ trong phát triển kinh tế gắn liền với chống tham nhũng và lãng phí cũng tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định.


Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Ngoài ra, xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng là các lĩnh vực đầy tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 20%/năm trong giai đoạn 2025-2030, cho thấy tiềm năng phát triển bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Rủi ro từ các biến động bên ngoài vẫn tiềm ẩn, trong khi sức chống chịu tổng thể của nền kinh tế còn ở mức trung bình thấp (xếp thứ 109/130 thế giới và thứ 7/9 trong khu vực ASEAN). Ngoài ra, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa có nhiều đổi mới.

Nhu cầu đầu tư vào kinh tế xanh là rất lớn, nhưng nguồn lực hiện tại còn hạn chế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040 để phát triển kinh tế xanh, nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.


Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định hạ tầng số chưa đồng bộ và năng lực kết nối số còn thấp. Nhận thức và kỹ năng của nhiều doanh nghiệp về chuyển đổi số còn hạn chế, đặc biệt là thương mại không giấy tờ và xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến.

Cần giải pháp đột phá

Trước những thách thức này, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp cho cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Ông Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ cần hoàn thiện khung chính sách và cơ chế sandbox để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, và kinh tế tuần hoàn. Cần quan tâm hơn đến phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, và các quỹ đầu tư.

Ngoài ra, việc thành lập Quỹ Tăng trưởng Xanh sẽ giúp thu hút các nguồn vốn đầu tư từ cả khu vực Nhà nước và tư nhân.

Ông Lực cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp đột phá để phát triển nguồn nhân lực và công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như AI, an ninh mạng, và công nghệ bán dẫn.


Tổng giám đốc FPT Smart Cloud nhấn mạnh vai trò của AI trong hoạt động của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Dương khuyến khích họ chủ động nắm bắt xu hướng chuyển đổi số và tận dụng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lãi suất. Doanh nghiệp cần tích hợp các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào chiến lược kinh doanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và tìm kiếm các phương án huy động tài chính cho các chuyển đổi xanh.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Việt – Tổng giám đốc FPT Smart Cloudcho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Theo báo cáo của IBM, AI đã giúp 35% doanh nghiệp tăng ít nhất 5% doanh thu, và công nghệ này hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về hiệu suất lao động, rút ngắn tốc độ ra quyết định và cải thiện trải nghiệm của khách hàng trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt có thể thoát khỏi vùng an toàn, khai phá những lĩnh vực kinh doanh mới nhờ ứng dụng AI.

Thêm vào đó, AI tạo sinh (GenAI) hứa hẹn sẽ đem đến cuộc cách mạng về hiệu suất lao động trong mỗi doanh nghiệp. Theo giới chuyên gia, GenAI sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường, là năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp trong thời đại số.

Các chuyên gia có chung nhận định, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới trong quản trị, ứng dụng công nghệ và nắm bắt cơ hội từ các xu hướng kinh tế mới. Sự kết hợp giữa nỗ lực của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua thách thức và đạt được những thành công lớn trong tương lai.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm