Nhận diện 3 "điểm nghẽn" của chuyển đổi số quốc gia
DNVN - Người đứng đầu khó khăn trong việc ra quyết định, chưa có cơ sở lý luận rõ ràng, thực hiện tiến trình chuyển đổi số với cơ chế của quá khứ chứ không phải cơ chế cho tương lai được coi là 3 "điểm nghẽn" lớn nhất của tiến trình chuyển đổi số tại các bộ, ban, ngành và địa phương hiện nay.
VECOM: Nhức nhối nạn rao bán động vật hoang dã trên Facebook, Lazada, Sendo, Tiki / Ngân hàng ứng dụng công nghệ tăng tốc số hóa
Chuyển đổi số (CĐS) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư được Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9/2019, CĐS được xác định là phương tiện chủ đạo, là chủ trương đúng đắn, tiên phong và cách mạng.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thực trạng CĐS hiện nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn, cần nhanh chóng đưa ra giải pháp để giải quyết các điểm "nghẽn".
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam, thực trạng lớn nhất trong hoạt động CĐS là các bộ, ban ngành và địa phương đang thực hiện CĐS như một nhiệm vụ về mặt chính trị. Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương đều hạn chế trong việc hiểu rõ về CĐS, chưa nắm chắc cần phải làm gì, phải làm như thế nào để CĐS thành công.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số.
Với việc chưa hiểu rõ về CĐS và thực sự không biết phải làm như thế nào cho đúng dẫn đến tiến trình CĐS có nhiều trở ngại. Người đứng đầu nhận thấy cần phải CĐS nhưng lại khó khăn trong việc ra quyết định làm sao để thực hiện đúng và hiệu quả.
Trên thực tiễn, đây là đối tượng hạn chế trong việc tiếp cận vấn đề CĐS một cách nghiêm chỉnh nhất. Họ không có thời gian đi học, chỉ học trong thời gian ngắn và học cho xong chứ chưa thực sự học để làm. Bộ phận tham mưu cho lãnh đạo cũng là những người kiêm nhiệm nên cũng không dám tham mưu những gì mang tính đột phá và thay đổi.
"Tiến trình CĐS đòi hỏi chúng ta phải đột phá, phải thay đổi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chúng ta không thay đổi, không có hoạt động đột phá, mới chỉ đang cố gắng thực hiện một cách cơ học, thực hiện những hoạt động, nhiệm vụ làm sao thích ứng một cách tối thiểu những gì chúng ta phải làm về mặt chỉ tiêu, thành tích", chuyên gia nêu.
Trước thực trạng này, ông Giang cho rằng, cần thiết phải giải quyết 3 vấn đề.
Thứ nhất, phải đào tạo về CĐS cho các cán bộ, lãnh đạo phụ trách về công tác CĐS. Trong Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như các quyết định, chiến lược tương tự cũng đều ghi rất rõ ràng: người đứng đầu các tổ chức phải chịu trách nhiệm và tổ chức thực hiện chiến lược CĐS.
Cần phải đào tạo lại bài bản cho đội ngũ lãnh đạo từ các cấp của Trung ương và địa phương. Chuyển đổi một tổ chức đòi hỏi người đứng đầu là người ra quyết định nên người đứng đầu phải "học thật và hiểu rõ".
Thứ hai, phải làm rõ về mặt cơ sở lý luận thế nào là CĐS. CĐS là chuyển đổi gì và làm như thế nào để đạt mục tiêu gì.
"Về việc này Viện Chiến lược Chuyển đổi số đã hoàn thành xong cơ sở lý luận, tức là triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị bằng 1 tài liệu hoàn chỉnh. Trong đó hướng dẫn rất rõ CĐS là chuyển đổi gì, cơ sở lý luận của CĐS là gì. Hi vọng cuốn sách này sẽ sớm được ra mắt trong năm nay", chuyên gia thông tin.
Thứ ba, trong vấn đề CĐS cần có cơ chế để ra quyết định về mặt đầu tư. Hiện Việt Nam đang thực hiện CĐS với những cơ chế hiện hữu là cơ chế của quá khứ chứ không phải cơ chế cho tương lai.
"Tôi nghĩ rằng, Quốc hội cần tạo ra hành lang, cơ chế về thể chế, chính sách đầu tư những dự án, hoạt động liên quan đến CĐS. Cần có hành lang pháp lý vững chắc để những người muốn làm, thực sự làm về CĐS có sự bảo đảm, có cơ sở vững chắc để thực hiện", ông Giang khuyến nghị.
Cũng theo chuyên gia, để tiến trình CĐS quốc gia đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được những điểm "nghẽn" thì cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành. Cùng đồng hành, đồng thuận không có nghĩa là mù quáng, không có nghĩa là không có phản biện, không có tranh đấu, mà cần có một cơ chế, một cơ sở để các bên đều có thể góp nên tiếng nói, góp công sức vào công cuộc chung của cả dân tộc.
"CĐS không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào. CĐS là câu chuyện chung và nó chỉ trở thành chung khi chúng ta làm cho nó có những động lực để mọi người cùng chung sức, chứ không phải những mệnh lệnh hành chính, những chỉ thị, những tư lợi, những độc đoán từ một vài đơn vị nào đó áp đặt lên tất cả. Muốn làm tốt, cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công", Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số nhấn mạnh.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo